06:10 19/06/2016

Carlos Dunga là nạn nhân của bóng đá Brazil?

Jogo Bonito, thứ bóng đá đẹp của đội bóng áo vàng xanh đã chịu tra tay vào chiếc còng mà Carlos Dunga cầm giữ suốt thời gian qua.

Huấn luyện viên Carlos Dunga trong trận đấu giữa đội Brazil và Peru tại Copa America 2016. Ảnh: EPA/TTXVN

Thua Peru, bị loại từ vòng bảng, không thể có lời bào chữa nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật: Bóng đá thực dụng không phải là cách để Brazil lấy lại tiếng tăm của mình, và Dunga không phải là câu trả lời cho những gì mà nền bóng đá này tìm kiếm, sau thất bại trước Peru ở vòng bảng Giải vô địch bóng đá châu Mỹ (Copa America) 2016.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là Carlos Dunga là nguyên nhân, hay chỉ là hệ quả cuối cùng của nền bóng đá đã suy yếu, và có dấu hiệu thụt lùi so với sự phát triển của bóng đá thế giới trong vài năm qua?

Vì Brazil không còn đường lùi

“Đây là Brazil tệ nhất kể từ năm 1974, tôi không hiểu các cầu thủ làm gì trên sân nữa. Tôi không nghĩ họ có khả năng giành chức vô địch, cả đội chơi quá chậm và phụ thuộc vào Neymar nhiều quá”.

Bạn nghĩ ai là người đã đưa ra nhận xét này, liệu có phải là ngay sau thất bại của đội bóng áo vàng-xanh tại Copa America 2016?

Ngạc nhiên thú vị: Đây là những gì Carlos Dunga nói sau thất bại kinh hoàng của các "vũ công Samba" trước Đức tại Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2014. Và như thể, ông đã tiên liệu luôn cả tương lai của chính đội bóng này hai năm sau đó.

Chưa bao giờ người yêu bóng đá Brazil bị tổn thương nhiều như thế. Trong vòng 3 năm qua, màu áo vàng-xanh bị vùi dập không phải vì các đối thủ như Đức hay Peru, mà vì chính triết lý bóng đá thực dụng mà Carlos Dunga cố cắm rễ vào đầu không chỉ các cầu thủ, mà còn cả các quan chức của Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF).

Sau khi sa thải huấn luyện viên (HLV) Felipe Scolari, một loạt những cái tên được CBF liệt kê ra như Ramalho, Menezes, Luxemburgo hay Leonardo Bacchi được nêu ra.

Nhưng dù là ai trong số này, thì cũng chỉ mang phong cách của Carlos Dunga, và so về kinh nghiệm ở đội tuyển thì không ai bằng được người đang nắm quyền ở đội tuyển. Còn những cựu trào như Zagallo hay Perreira thì từ lâu không còn được tín nhiệm nữa.

CBF vội tin rằng, HLV 53 tuổi này, người từng lên ngôi tại Copa America 2007 với thứ bóng đá tiêu cực là chiếc phao sinh cứu vớt đội bóng đang chết chìm vì mất phương hướng.

Chính Dunga cũng thuyết phục tất cả tin rằng, với một nền bóng đá không còn sản sinh ra những những cầu thủ kiệt xuất như Ronaldo, Ronaldinho hay Rivaldo, và những mẫu cầu thủ như Douglas Costa hay Willian nổi lên trở thành những cái tên đại diện cho một thế hệ cầu thủ kiểu mới, ông là lựa chọn tốt nhất cho Brazil.

Quan trọng hơn, bớt đi những kĩ thuật gia, khả năng luân chuyển bóng của Brazil vào thời điểm đó là cực tốt, họ chỉ cần một hoặc hai đường chuyền là có thể tiếp cận vòng cấm đối thủ và ghi bàn.

Giống như khi Julio Baptista chọc thủng lưới Argentina ở chung kết Copa America 2007, đội bóng của Carlos Dunga chỉ cần 2 đường chuyền phản công, với 3 người chạm bóng. Nhưng giờ thì chọn Carlos Dunga, kẻ thù của jogo bonito, như một sự tự sát với đội bóng đang cố gắng tìm đường trở lại với vinh quang.

Nhưng suy cho cùng, thất bại của Carlos Dunga là thất bại của cả nền bóng đá chỉ còn biết trông cậy vào Neymar, và có vẻ như ngày càng tụt hậu so với sự phát triển của bóng đá thế giới. Ở cả khía cạnh đào tạo trẻ, định hướng kĩ chiến thuật, cũng như đội ngũ HLV dường như không theo kịp với sự phát triển của tư duy bóng đá hiện đại.

Carlos Dunga sẽ vẫn giữ ghế?


Jogo bonito không phải là luật lệ, chỉ là truyền thống. Carlos Dunga không nói như vậy, nhưng chính ông là người khởi nguồn cho việc đi ngược lại với triết lý bóng đá đẹp của người Brazil.

Truyền thông nước này cũng hùa theo bình luận rằng, không ai có bổn phận phải chơi đẹp mắt và nhận những thất bại cay đắng như các kỳ World Cup 1982 hay 1986.

Các cầu thủ Brazil trong nỗi buồn chiến bại. Ảnh: AFP/TTTXVN

Năm 1994, HLV Perreira là người tiên phong cho việc rũ bỏ jogo bonito, khi ông bỏ rơi đội trưởng Rai, em trai của Socrates và là nghệ sĩ thực thụ của Brazil để trao lại băng thủ quân cho Carlos Dunga, một mẫu chiến đấu điển hình để dẫn dắt hàng tiền vệ gồm toàn những cái tên rắn như thép là Mauro Silva và Mazinho.

Nếu ai từng nghĩ đến bóng đá Brazil hiện đại là như thế nào, thì đó là câu trả lời xác đáng nhất. Năm 2002 là ngoại lệ, khi đội bóng áo vàng-xanh có sự kết hợp hài hòa giữa những công nhân như Kleberson, Gilberto Silva với Rivaldo, Ronaldinho hay Ronaldo. Nhưng đội bóng áo vàng không còn may mắn nhiều như thế nữa trong hơn 10 năm qua.

Giờ thì người Brazil không còn thấy phiền lòng vì đội bóng của họ chơi thứ bóng đá thực dụng nữa, họ cũng quen dần với phong cách mà Scolari hay Carlos Dunga áp đặt lên đội tuyển.

Thất bại dường như đã trở thành thói quen với đội bóng xứ sở Samba, và việc họ có bị loại sớm khỏi một giải đấu nào đó cũng không còn là một cú sốc nữa. Khi bóng đá ở Brazil đã bị bỏ quên và không thể tìm đường trở lại với vinh quang.

Dunga căm thù Jogo bonito

HLV 53 tuổi này từng mỉa mai đội bóng của cố HLV Tele Santana bằng cụm từ “beautiful losers”, tạm dịch là những “kẻ thất bại mĩ miều”, sau khi Brazil bị loại khỏi vòng bảng thứ hai của World Cup 1982, cũng như ở vòng đấu loại trực tiếp 4 năm sau đó ở Mexico.

Triết lý huấn luyện của Carlos Dunga dựa trên nguyên tắc cơ bản là sự chắc chắn của hệ thống phòng ngự. Đầu tiên, ông tạo ra khái niệm volantes, nghĩa là sử dụng bộ đôi tiền vệ phòng ngự ở tuyến giữa.

Những người có nhiệm vụ bảo vệ bộ tứ vệ, giảm thiểu những mối nguy hại từ phía đối phương, và cố gắng khiến trận đấu trở nên ngột ngạt, để tận dụng các cơ hội ghi bàn từ phòng ngự phản công, các tình huống cố định treo bóng vào vòng cấm.

Ở Brazil, bóng đá là kinh doanh

Socrates, đội trưởng của đội bóng lãng mạn tham dự World Cup 1982 chỉ trích Carlos Dunga như sau, “giờ thì bóng đá cứ như là kinh doanh, chiến thắng là tất cả và sự thực dụng bao trùm cả trận đấu. Thật là xấu hổ khi tiền bạc trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn, người ta cần những danh hiệu để phục vụ cho những mục đích khác”.

Mục đích mà huyền thoại này nhắc tới là gì? Đó là các hợp đồng tài trợ, các trận giao hữu có giá cả triệu đô la Mỹ. Truyền thông Brazil cho biết, kể từ sau chức vô địch World Cup 2002, CBF nhận được hợp đồng tài trợ béo bở từ Nike với điều kiện thi đấu giao hữu đến 30 trận trong một năm.

Chưa kể họ nhận lời tham dự các trận đấu khác và nhận tiền từ đối tác. Nhiều trận đấu hơn, nghĩa là nhiều tiền hơn. Trong suốt thời gian này, đã có hai cuộc điều tra liên quan đến các vụ tham nhũng tại liên đoàn dưới thời ông Ricardo Texieira.

Brazil rất tệ ở Copa America

Trong 3 giải Copa America gần đây, thành tích của Brazil là rất tệ, họ chỉ thắng được 4 trận, hòa 4 và thua 1. Trong đó, hai lần liên tiếp bị loại Paraguay loại ở tứ kết sau loạt sút luân lưu. Và Copa America 2016 là tệ nhất, khi bị loại ngay từ vòng bảng với chỉ một trận thắng.

Tệ hơn là Brazil còn không ghi nổi bàn thắng nào vào lưới các đội bóng Nam Mỹ là Ecuador và Peru, bất chấp việc đã nã vào lưới Haiti đến 7 bàn thắng.

TTXVN/Tin Tức