06:17 30/06/2017

Cập nhật kỹ thuật tiên tiến về điều trị bệnh phổi tiến tới chấm dứt bệnh lao

Chiều 30/6, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc lần thứ VII với chủ đề "Quản lý tốt bệnh phổi để chấm dứt bệnh lao".

Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế) ở Hà Nội được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hội nghị diễn ra trong ba ngày (29/6-1/7) với 200 công trình nghiên cứu, bài báo cáo tổng quan tập trung vào các chủ đề: Ung thư phổi, viêm phổi, hồi sức cấp cứu chuyên ngành, phẫu thuật phổi, lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc...

Đặc biệt, năm nay, hội nghị bàn đến một số chủ đề mới như: Thực hành lồng ghép quản lý lao và bệnh phổi dành cho các thầy thuốc; bằng chứng khoa học hướng đến kết thúc bệnh lao ở Việt Nam; điều dưỡng chuyên ngành dành cho điều dưỡng viên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: Hơn 10 năm qua, Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam đã tổ chức thành công 6 hội nghị khoa học về bệnh phổi toàn quốc. Các hội nghị đã tạo gây ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế về công tác chống lao và bệnh phổi của y tế Việt Nam.

Hội nghị là diễn đàn để chia sẻ kiến thức khoa học, kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ và thực hành lâm sàng. Đây sẽ là cơ hội tốt để các nhà quản lý, nhà chuyên môn cập nhật thông tin, lựa chọn và định hướng phát triển của đơn vị, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh...

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia nêu rõ: Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, hàng năm có thêm 10,4 triệu người mới mắc lao; trong đó 5,9 triệu nam giới, 3,5 triệu nữ giới và 1 triệu trẻ em.

Bệnh lao kèm theo nhiễm HIV chiếm 11%, tức là ước tính 1,2 triệu người trên thế giới mắc 2 bệnh này. Vấn đề lao kháng thuốc đang đe dọa nhiều nước, ước tính có 580.000 người mắc lao đa kháng thuốc; trong đó mới chỉ có 20% được tiếp cận điều trị...

Tại Việt Nam, thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong kiểm soát bệnh lao nhưng vẫn đang đứng thứ 15 trong 20 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm Việt Nam có thêm 128.000 người mới mắc lao và có tới 16.000 người tử vong.

Vấn đề lao kháng thuốc ở nước ta cũng rất nghiêm trọng. Việt Nam đứng thứ 15 trong 20 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất. Hàng năm, cả nước ước tính có thêm 5.200 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, Việt Nam đã có đủ thuốc điều trị kể cả loại siêu kháng thuốc với phác đồ mới nhất.

Trước thực trạng trên, thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ đẩy mạnh triển khai sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các khu vực khó tiếp cận, có tình hình dịch tễ lao cao, trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người già, bệnh nhân tâm thần, phạm nhân, người nhiễm HIV…); thành lập Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát hiện, tăng tối đa tỷ lệ thu nhận điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc trên toàn quốc nhằm đạt chỉ tiêu đặt ra; chú trọng chất lượng quản lý điều trị, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm bỏ trị trong quản lý lao kháng thuốc; tăng cường sàng lọc, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao ở trẻ em.

Chương trình chống lao sẽ thực hiện chuyển đổi kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao, tiến tới áp dụng y học chính xác trong phòng chống lao; tăng cường triển khai cấu phần hỗ trợ kinh tế, tâm lý, xã hội cho các bệnh nhân lao trên toàn quốc, bao gồm bệnh nhân lao thường và lao kháng thuốc dựa vào cộng đồng, vận động sự vào cuộc của Bộ/Sở Lao động Thương binh và Xã hội để triển khai các hình thức hỗ trợ bệnh nhân thông qua hệ thống này...

Thu Phương (TTXVN)