07:14 18/07/2013

Cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số - nhìn từ Đắk Lắk

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, đời sống khó khăn nhằm mục đích hỗ trợ hộ đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, sớm thoát nghèo là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, đời sống khó khăn nhằm mục đích hỗ trợ hộ đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, sớm thoát nghèo là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, tình trạng thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn còn nan giải.


Nhiều chuyển biến tích cực


Thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất. Theo đó, đời sống của đa số đồng bào DTTS nghèo từng bước được cải thiện, bà con yên tâm định cư và tổ chức sản xuất có hiệu quả trên diện tích đất được hỗ trợ. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 132 và 134/2002/QĐ-TTg về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên và chính sách trợ giúp về nhà ở cho các hộ đồng bào thiểu số nghèo Tây Nguyên đến năm 2006. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Đắc Lắk đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-UB phê duyệt phương án giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Theo phương án giải quyết đất ở và đất sản xuất của 13 huyện, thành phố.

Giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cần có chiến lược lâu dài. Ảnh: V.Tôn


Ông Trần Cảm - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: Thực hiện chính sách về cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS tại chỗ, từ năm 2007 - 2009, xã Cư Êbur đã tiến hành cấp đất rẫy cho 46 hộ với diện tích 13,8 ha, đất ruộng (2 vụ) cho 15 hộ với diện tích 2,2 ha và cấp đất ở cho 125 hộ với tổng diện tích 2,5 ha. Đây là các hộ nghèo, thiếu đất sản xuất thuộc 4 buôn của xã. Sau khi được cấp đất, đời sống của người dân tại 4 buôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân sau khi có ruộng, rẫy đã chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực nên tình trạng thiếu đói không còn. Đặc biệt, sau khi hoàn thành việc cấp đất theo Chương trình 134, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của xã giảm từ 350 hộ xuống còn 88 hộ. Tuy nhiên, do quỹ đất sử dụng cấp cho các hộ DTTS thường nằm ở những vùng ít thuận lợi, đất đai không được màu mỡ; trong khi diện tích cấp cho mỗi hộ không được nhiều nên nếu không có sự hỗ trợ thêm, giải quyết công ăn việc làm cho các thành viên ở các hộ này thì họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Ông Y Soan Ê Ban - Trưởng buôn Ê Rang, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Trong buôn tôi cũng có mấy chục hộ được cấp đất ở, đất sản xuất. Hầu hết các hộ sau khi được cấp đất đều chăm chỉ làm ăn, thoát được đói. Chính quyền và các cấp, các ngành còn quan tâm làm nhà đại doàn kết, nhà tình thương cho họ nên các hộ đều có chổ ở ổn định. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất sản xuất được cấp đều ở xa, lại thuộc các vùng khó khăn về nước, đất không tốt, diện tích ít nên các hộ được cấp đất cũng chỉ đủ ăn, không làm giàu được, hộ nào đông người thì còn khó khăn lắm. Cũng thuộc đối tượng được cấp đất sản xuất nhưng do không còn quỹ đất để cấp nên chính quyền đã hỗ trợ họ các loại cây, con giống để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Một số hộ thì chăn nuôi tốt, đem lại nguồn thu nhập góp phần xóa đói. Nhưng nhiều hộ thì nhận con giống về đem bán đi, lấy tiền phục vụ cuộc sống trước mắt. Tiêu hết tiền rồi lại vẫn đói nghèo như trước.


Ngoài việc cấp đất ở, đất sản xuất theo quy định, xã Cư Êbur còn chủ động kết hợp các nguồn vốn để xây nhà 167, nhà đại đoàn kết. Đến nay, trên địa bàn Cư Êbur đã xây được trên 100 nhà cho các hộ nghèo, nhờ vậy, tình trạng thiếu nhà ở không còn. “Ngoài ra, thực hiện chương trình phát triển kinh tế tại 33 buôn đồng bào DTTS của thành phố, 20 hộ thuộc 4 buôn của xã được cho vay 20 triệu đồng/hộ để mua bò, heo phát triển chăn nuôi và cải tạo vườn tạp, đời sống kinh tế, thu nhập đã được nâng lên. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã đã vận động các đoàn thể vào cuộc, tích cực giúp đỡ bà con ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế, đa cây, đa con” - Ông Trần Cảm cho biết thêm.


Cần có chiến lược phù hợp


Mặc dù Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc triển khai các chương trình trên vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả đem lại chưa cao.


Theo ông Y Soan Ê Ban - Trưởng buôn Ê Rang, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cần có chính sách cấp cho các hộ đói nghèo nhiều đất hơn, hỗ trợ họ về cây, con giống và hướng dẫn họ cách chăn nuôi, sản xuất hiệu quả. Hiện nay trình độ sản xuất và nhận thức của đồng bào còn hạn chế, nếu không bày cho họ cách làm ăn thì có cấp đất hay cho họ bò, heo giống nhiều thì cũng khó mà thoát nghèo được.


Nhìn từ góc độ quản lý thì nguyên nhân trước hết là do một số đơn vị, địa phương chưa xác định đầy đủ tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS nên việc chỉ đạo thực hiện chưa đồng bộ, còn nhiều thiếu sót, chưa chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại chỗ quản lý và sử dụng đất có hiệu quả chưa được quan tâm. Một số nơi thực hiện việc rà soát các hộ thiếu hoặc không có đất không sát với thực tế dẫn đến bỏ sót nhiều hộ nằm trong diện chính sách. Công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác thiếu đồng bộ, một số khu định cư mới còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng chương trình 134 còn tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó, một số diện tích khai hoang của huyện Buôn Đôn, Ea Súp có tầng đất canh tác mỏng, tỷ lệ đá cao, thiếu nguồn nước tưới, trong khi đó công tác khuyến nông chưa đủ mạnh, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế… nên hiệu quả sản xuất thấp. Đó là chưa kể đến việc một số hộ đã nhận đất nhưng vẫn chưa sản xuất được do tranh chấp, tái lấn chiếm của một số người trước đây đã bị thu hồi đất…

Ông Huỳnh Bài - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk):

Việc thực hiện chính sách cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ ở huyện Krông Bông được thực hiện trong giai đoạn 2003 - 2008. Đây là chính sách được nhân dân đồng tình ủng hộ vì có tính an sinh xã hội cao; đồng bào DTTS tại chỗ phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước. Krông Bông cũng là một trong những địa phương hoàn thành sớm chính sách này, qua đó từng bước ổn định được đời sống sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã có những bất cập cần khắc phục. Đối với đất ở, lúc đầu được cấp theo định mức 400m2/hộ, về sau giảm xuống còn 200m2/hộ. Với diện tích đất ở được cấp, so với nhu cầu và phong tục của đồng bào DTTS tại chỗ là chưa phù hợp. Bởi lâu nay không gian sống của đồng bào luôn rộng rãi, khoáng đạt; nơi ở thường kết hợp với vườn, khu chăn nuôi… Không gian sống này cũng là nơi lưu giữ các thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào. Đối với đất sản xuất lúc đầu định mức là 1 ha, sau giảm xuống còn 5.000m2, hoặc quy đổi thành 2 - 2,5 sào ruộng nước 2 vụ. Để có đất sản xuất cấp cho đồng bào, huyện phải tổ chức khai hoang phục hóa diện tích ruộng, rẫy bị bỏ hoang từ 3 - 4 năm. Hiện tại, quỹ đất thuộc loại này cũng đã hết. Vì vậy với diện tích đã được cấp thì đồng bào có thể đảm bảo được an ninh lương thực, còn để phát triển kinh tế gia đình để làm giàu thì rất khó.


Việt Dũng - V.T