07:22 18/07/2014

Cấp bách triển khai phương án ứng phó '4 tại chỗ'

Trước tình hình cơn bão số 2 (tên quốc tế là Rammasun) là cơn bão mạnh đang đổ bộ vào đất liền, có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng, các địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết, tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2. Đến 17 giờ ngày 18/7, tỉnh đã hoàn tất các công việc cần thiết như kêu gọi được 100% số người canh coi đầm nuôi trồng thủy sản ven biển, cửa sông vào nơi trú tránh an toàn di dời người dân từ các nhà yếu sang nhà kiên cố sơ tán người dân và khách du lịch tại các bãi tắm Quất Lâm và Thịnh Long bơm tiêu nước đệm để phòng úng cho 85% diện tích lúa mùa đã cấy.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tính 17 giờ ngày 18/7, tất cả 1.942 tàu với 4919 ngư dân của tỉnh đã vào nơi trú tránh an toàn trong đó 24 tàu với 121 ngư dân đã vào tránh bão tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau số còn lại đã về neo đậu tại các bến ở Nam Định.

Tàu thuyền tại các khu vực ven biển nơi có bão quét qua đã được neo đậu chắc chắn.


Tổng số 881 người canh coi tại các đầm nuôi trồng thủy sản ven biển đã được kêu gọi vào nơi trú tránh an toàn. Được dự báo không nằm trong tâm bão nhưng Nam Định bị ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão (từ tối 18/7 sẽ có mưa to đến rất to). Để chủ động trong công tác cứu hộ cứu nạn, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã triển khai túc trực 4 tàu có công suất từ 150-345CV 14 xuồng cứu nạn có công suất từ 240-275 CV.

Các địa phương, nhất là 3 huyện ven biển chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm "4 tại chỗ". Công tác tác khắc phục, gia cố các điểm đê kè xung yếu đã được hoàn tất từ chiều 17/7. Có 6 trạm bơm lớn đã được bố trí túc trực khi có nhu cầu. Công tác chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống bão đã được chú trọng.

Số vật tư được chuẩn bị riêng tại 3 huyện ven biển là hơn 23.000 m3 đá hộc gần 2.800 rọ thép 15.700 bao tải gần 15.000 m2 vải lọc hơn 125.000 m2 vải chống tràn gần 135.000 cấu kiện đúc sắc. Ngành điện đã sẵn sàng phương án chủ động cấp đủ điện, đảm bảo chất lượng nguồn điện phục vụ yêu cầu tiêu úng. 

Thái Bình đã di dời hơn 4.700 người dân vào nơi an toàn    

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến 17h ngày 18/7, địa phương này đã tổ chức di dời được 2.924 hộ với 4.704 người vào nơi an toàn. Đây là những hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên các chòi canh ngao, trong các khu nhà yếu, khu vực nguy hiểm… 

Thống kê của tỉnh Thái Bình, nếu bão số 2 đổ bộ vào tỉnh thì số dân sống ở những nơi không an toàn cần di dời vào nơi định cư an toàn là hơn 10.600 hộ với hơn 23.400 người. Và khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền, đồng thời xảy ra thiên tai “kép” là bão, lũ và vỡ đê bối thì số lượng người cần di dời của tỉnh Thái Bình lên đến trên 89.000 người, trong đó có hơn 60.000 người sống ngoài đê bối. 

Hiện, Thái Bình đang gấp rút triển khai công tác di dân nhằm đưa dân thoát khỏi khu vực lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy, hải sản khu vực nhà yếu khu vực ngập lụt ven sông Khu vực sạt lở đất và có nguy cơ lũ quét và các khu vực khác… 

Trong công tác di dời dân, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đặc biệt lưu ý các xã Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hưng, Cồn Vành, Nam Phú, Đông Minh, Đông Long, Đông Trà, Đông Qúy, Cồn Đen, Thái Thượng, thị trấn Tiền Hải của hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Đây là những địa phương có số lượng người sống ở ngoài đê chính nhiều.  

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, chủ động di chuyển dân đến nơi kiên cố an toàn. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra rà soát toàn bộ hệ thống đê sông, đê của sống, đê biển.

Khi phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn trong bão phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để tu bổ, củng cố ngay. Đồng thời thả phai dự phòng, phai băng két, cửa khẩu trên đê trước khi có bão vào phân công cụ thể cán bộ và các lực lượng thường xuyên kiểm tra các tuyến đê có các đoạn đê thấp có thể tràn và làm hư hỏng dột xuất có ngay phương án xử lý, ứng cứu kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.   

Trước tình hình cơn bão số 2 (tên quốc tế Rammasun) là cơn bão mạnh đang đổ bộ vào đất liền, có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng, UBND thành phố Hòa Bình phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng của tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cấp bách triển khai những biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.    

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN


Thành phố Hòa Bình đã rà soát các khu vực, vị trí xung yếu hay xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét có phương án di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động ứng phó với tình huống khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ lưu lượng 15.000 m 3 /giây. Huy động nhân dân khơi thông, dọn vật cản tại các suối lớn, bảo đảm thoát lũ nhanh. Đồng thời tổ chức lắp đặt biển bảo hiệu, cử người canh gác, hướng dẫn người dân tại các khu vực các ngầm, đường qua suối, bến đò, những tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn.    

Qua kiểm tra thực tế tại khu vực kè hạ lưu đập thủy điện, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình bảo đảm khả năng chống lũ. Kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp bảo vệ kè sông, suối, hồ đập thủy lợi, tiêu nước chống ngập úng.

Tỉnh yêu cầu UBND thành phố Hòa Bình và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương có phương án giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Về lâu dài cần quy hoạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối, nâng cao năng lực tiêu thoát nước tại các trục đường, khu dân cư thường xuyên xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố Hòa Bình.    

Những năm qua, năng lực tiêu thoát nước của thành phố Hòa Bình không đáp yêu cầu. Mỗi khi trời mưa to thường xuyên gây ngập úng cục bộ tại các khu vực: tại khu dân cư xóm 8, xã Sủ Ngòi và tổ 28, phường Phương Lâm do ách tắc thoát nước kênh 20, bùn đất chảy vào nhà dân khu vực tổ 9, tổ 25, phường Hữu Nghị.

Trong mùa mưa bão, nhiều khu vực có nguy cơ lũ ống lũ quét như ven suối Voi, xã Hòa Bình, khu ngầm Cang ven suối Can, tổ 24, phường Đồng Tiến ven Suối Trì tổ 4 và 17, phường Tân Thịnh nguy cơ sạt lở tại xóm 5 và xóm 11, xã Sủ Ngòi nguy cơ sạt lở taluy khu đồi tại tổ 4, phố Ngọc, xã Trung Minh khu cơ quan Đội quản lý thị trường số 8, xã Dân Chủ.  

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ra Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn 9 huyện, thành phố, thị xã và các Sở, ban, ngành cùng các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh về việc ứng phó với cơn bão số 2.  

Dự báo do ảnh hưởng của cơn bão số 2, các tỉnh Bắc bộ trong đó có Thái Nguyên từ đêm nay có mưa to đến rất to, vùng núi Bắc bộ cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng. Để chủ động phòng, chống mưa, lũ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.

Đồng thời, triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa, đặc biệt với các hồ chứa đang có nguy cơ mất an toàn. Chỉ đạo các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng nước về hồ tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu khi có tình huống xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị đang thi công xây dựng chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho các thiết bị và người thi công.  

Tại tỉnh Thái Nguyên, sau khi rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, các địa phương đã lên phương án di dời gần 2.400 hộ dân (tương đương với gần 10.500 người dân). Đây là những hộ dân nằm trong vị trí có khả năng xảy ra hiện tượng sạt lở đất, lũ quét và ngập úng. 

Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo kịp thời diễn biến của bão số 2 trên hệ thống truyền thanh, tổ chức hướng dẫn nhân dân chủ động chằng, chống nhà cửa các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai phòng, chống bão tại đơn vị mình bằng cách chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, chặt tỉa cành cây hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời, cử người đặt cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ quét, các cầu tràn qua suối, hạ du các hồ chứa lớn...


Nhóm PV