03:09 13/03/2012

Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 36 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố. Điều rất đáng lo ngại là virút cúm gia cầm đã biến đổi sang chủng mới và chưa có vắcxin đặc trị.

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 36 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố. Điều rất đáng lo ngại là virút cúm gia cầm đã biến đổi sang chủng mới và chưa có vắcxin đặc trị. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần đã yêu cầu các địa phương và ngành chức năng huy động mọi nguồn lực, thực hiện mọi biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Thận trọng khi virút biến thể


Phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn của một hộ ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN.


Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 51.983 con, trong đó vịt chiếm đến gần 90%. Đáng chú ý, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, virút H5N1 đã biến đổi sang chủng mới (2.3.2), riêng tại miền Nam, virút vẫn chưa có thay đổi. Đặc biệt, nhánh virút mới 2.3.2 lại chia thành hai nhánh phụ A và B có sự khác biệt lớn về kháng nguyên và độc lực của virút này rất cao. Cùng với sự biến thể của virút, thời tiết bất lợi như hiện nay làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, trong khi các hoạt động giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao nên dịch có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác và lây lan tại nhiều địa phương khác.

Ông Trần Đức Nhu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho biết: Từ năm 2007, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến lúc tăng, lúc giảm. Nhưng từ cuối năm 2011 đến nay có dấu hiệu tăng lên. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2012 đã có 9 xã, 4 huyện có ổ dịch với hơn 10.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Với hiện trạng chăn nuôi nhỏ lẻ là chính nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, đặt ra mục tiêu chỉ tiêm phòng đối với hộ nuôi từ 50 con trở lên. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, UBND tỉnh đã có chỉ đạo phải tiêm phòng 100% đàn gia cầm.

Theo đánh giá của Cục Thú y, tỉ lệ bảo hộ của vắcxin H5N1 Re-5 đối với nhánh phụ 2.3.2-A trong phòng thí nghiệm khoảng 70%, còn virút 2.3.2-B gần như không có kết quả. Vì vậy, đối với các tỉnh phía Nam do virút chưa biến đổi nên vẫn tiếp tục tiêm phòng vắcxin, còn đối với các tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên do virút đã biến đổi nên tạm ngừng tiêm vắcxin.

Chống dịch với biện pháp đồng bộ

Để đối phó hiệu quả với dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: Những tỉnh dù đàn gia cầm không lớn nhưng cũng phải thận trọng và quyết liệt trong công tác phòng dịch. Đối với các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do virút chưa biến đổi, vắc xin vẫn phát huy hiệu quả và Bộ đã cấp đủ vắcxin nên các tỉnh phải triển khai tiêm phòng tích cực và quyết liệt hơn. Riêng các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa có vắcxin phù hợp để tiêm phòng do chủng virút cúm gia cầm đã biến đổi nên thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng là rất cao. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ cho nhập 50 triệu liều vắcxin H5N1 chủng Re-5. Tuy nhiên, hiện chưa có bản đồ dịch tễ để xác định chủng virút cho từng vùng, từng địa phương để sử dụng vắcxin cho hiệu quả. “Không thể tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm mãi được mà phải đề phòng với một số chủng khác vì đã phát hiện ra những mẫu H5N1 có độc lực biến đổi có khả năng là do một chủng khác gây nên. Có thể chúng ta không quay trở lại chiến lược tiêm đại trà, nhưng ở những nơi và đối tượng cần thiết thì vẫn có thể sử dụng. Ngoài ra, cần phải sử dụng mọi biện pháp đồng bộ để chống dịch" - ông Hoàng Văn Năm cho biết thêm.

Cùng với giải pháp tiêm phòng, Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; tăng cường các biện pháp phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp khống chế kịp thời khi có dịch. Qua kiểm tra thực tế, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm thì vẫn còn một số nơi triển khai chậm, dịch xảy ra rồi mới báo cáo, lúng túng trong xử lý dịch... Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân không khai báo cho lực lượng thú y khi xảy ra hiện tượng gia cầm ốm, chết bất thường, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi, người tiêu dùng, người kinh doanh để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch trên gia cầm.

Trung Thành