03:22 25/03/2020

Cấp bách gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh ứng phó với COVID-19

Ngày 25/3, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự của tỉnh trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất đến cuối tháng 3/2020, để đảm bảo đơn hàng đã ký từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng với khách hàng truyền thống đến quý II/2020.  

Do đó, trong quý I, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2020 tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 1,02% so với mức tăng 7,16% của quí I/2019.

Trong những tháng đầu năm 2020, cùng với phòng, chống dịch COVID-19, Bình Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Trong quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 62.146 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 5,14% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ.

Tại Hội nghị, các đại biểu phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân, chưa thể đánh giá đầy đủ, toàn diện các ảnh hưởng của dịch bệnh. Các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương đề xuất, kiến nghị các giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, tỉnh cần triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực, ngành hàng bị ảnh hưởng; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh tích cực tuyên truyền, động viên các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. 

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể khẳng định quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi và vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19; đồng thời tiếp tục ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020, lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp.

Toàn tỉnh tập trung tất cả các nguồn lực, trí tuệ triển khai nhanh chóng, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg (về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19) và kế hoạch hành động của UBND tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg. Theo đó, các ngành, các cấp phải tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, tổng hợp tất cả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và của năm 2020; chú ý bổ sung thêm vào kế hoạch từ nay đến cuối năm các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp, với phương châm chỉ đạo quyết liệt, tăng tốc thực hiện để bù lại giá trị sụt giảm trong 3 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, áp dụng tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát cơ cấu lại vốn đầu tư cho phù hợp, cắt giảm và giãn tiến độ đầu tư với các công trình, dự án chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực cho những công trình, dự án trọng điểm, nhằm sớm hoàn thành, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để vượt khó khăn trong tình hình hiện nay. 

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Việt (TTXVN)