03:11 05/03/2011

Cấp bách chống thiên tai và biến đổi khí hậu

Thiên tai đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân các nước chịu tác động từ biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.

Thiên tai đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân các nước chịu tác động từ biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Hôm qua (4/3), các đại biểu từ nhiều quốc gia đã cùng họp mặt tại “Diễn đàn Quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra tại Hà Nội, để cùng nhau hợp tác đối phó với vấn đề này.

Nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất

Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Đại sứ Cơ quan chiến lược quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Liên hợp quốc Loren Legarda, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát và sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức tài chính, khoa học quốc tế liên quan.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong năm 2010, thiên tai xảy ra trên khắp thế giới, hậu quả để lại đã trở thành gánh nặng cho sự phát triển đối với các quốc gia. Nhiều trận thiên tai đã gây nên các cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội như núi lửa phun ở Aixơlen, Inđônêxia, động đất tại Haiti, Chilê và Trung Quốc, cháy rừng tại Nga, lũ lụt tại Pakixtan, hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mêkông và gần đây nhất, đầu năm 2011 là trận động đất tại Niu Dilân.

Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ. Thực tế, trong năm 2010 vừa qua, Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thi công kè mái, bê tông mặt đê của tuyến đê biển Gót Tràng, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Trong năm qua, Việt Nam đã hứng chịu 6 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 4 đợt lũ lớn lịch sử tại miền Trung và Nam Trung bộ, nắng nóng, hạn hán kéo dài, mực nước nhiều sông lớn xuống rất thấp. Sau trận lũ lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài, làm chết hàng chục ngàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại về kinh tế, sản xuất của Nhà nước và nhân dân.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát, tác động của biến đổi khí hậu đã làm thiên tai cực đoan hơn trong những năm gần đây tại Việt Nam. Trong đó, nông nghiệp và khu vực nông thôn là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề nhất.

Hơn nữa, thiên tai bão, lũ trong năm 2010 tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của 362 người, trên 470.000 ngôi nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến trên 16.000 tỷ đồng. Đó là tổn thất to lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Xây dựng kế hoạch phòng chống dài hạn

Trong khuôn khổ diễn đàn, 5 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã ký cam kết tham gia Chiến dịch thành phố an toàn trước thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu do Cơ quan chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của Liên hợp quốc (UNISDR) phát động.

Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để đối phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình xây dựng đê biển, các công trình đang tiến hành.

Theo ông Học, chương trình này sẽ đáp ứng yêu cầu bảo vệ sản xuất giai đoạn trước mắt, đồng thời chống lại các tác hại của nước biển dâng trong dài hạn. Tuy nhiên, vì nguồn vốn có hạn nên thời gian thực hiện kéo dài hơn so với dự kiến, những nơi có nhu cầu cấp bách sẽ được đầu tư trước. Chương trình này sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm tới.

“Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo trồng rừng trước đê biển với chiều rộng từ 500 m tới 1.000 m để bảo vệ đê biển, tăng cường đa dạng sinh học cũng như giảm lượng phát thải, giảm tác hại của biến đổi khí hậu”, ông Học nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đê biển, bà Loren Legarda, Đại sứ Cơ quan chiến lược quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Liên hợp quốc (UNISDR) cho biết: “Trung Quốc đã chi 2 tỷ USD để xây dựng đê biển và hiệu quả mang lại ước tính trên 5 tỷ USD. Điều đó cho thấy đây là một việc đầu tư có lợi lâu dài”.

Hơn nữa, “những bài học từ cơn bão Ketsana và Parma năm 2009 đã dạy cho chúng ta rằng, không nên hạn chế tầm nhìn của mình, tức là chỉ tập trung cho ứng phó, phục hồi và tái thiết sau mỗi trận thiên tai mà phải cùng hợp tác, lồng ghép giảm thiểu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu với kế hoạch phát triển, chính sách và các chương trình hành động lâu dài”, bà Loren Legarda cho biết.

Đến nay, Bộ NN&PTNN đã tổ chức rất thành công các chương trình như: Chương trình đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, khu neo đậu cho tàu thuyền tránh, trú bão... Tổ chức chương trình phòng tránh ngập úng cho các thành phố lớn. Rà soát quy hoạch thủy lợi trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng quy hoạch phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNISDR tổ chức hội thảo kỹ thuật về Diễn đàn Quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn 5 thành phố của Việt Nam tham gia chiến dịch của Liên hợp quốc về thành phố an toàn. Hiện tại, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai.

Hữu Vinh