10:09 18/10/2018

Cao su Việt Nam tìm cách thích ứng thị trường trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới cho tới năm 2030 khó có thể hồi phục như mức năm 2011.

Chú thích ảnh
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc kéo dài sẽ khiến cho ngành cao su Việt Nam bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung của Mỹ. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc kéo dài sẽ khiến cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung của Mỹ.

Điều này đòi hỏi ngành cao su đang trên sân chơi hội nhập phải có sự thay đổi trong cả suy nghĩ và hành động, tìm những ngã rẽ nhằm đáp ứng với các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, cho sản lượng gần 1,1 triệu tấn. Với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ nên dù tổng diện tích và năng suất giảm nhẹ, sản lượng cao su vẫn tiếp tục tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 9 tháng năm 2018 đạt 1,06 triệu tấn với giá trị 1,45 tỷ USD, tăng 19,9% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam với trên 60% tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, tỷ trọng của thị trường này vượt xa so với tỷ trọng từ các thị trường tiêu thụ khác, đặc biệt, lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam vào thị trường này đang trong xu hướng tăng. Có thể thấy, sự phát triển của ngành cao su cho đến nay chịu tác động rất lớn từ thị trường xuất khẩu là Trung Quốc.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến ngành cao su của Việt Nam. Bởi với mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ô tô của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam và nguồn nguyên liệu này chủ yếu đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Như vậy, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty CP Cao su Điện Biên cạo xả mủ cây cao su để chuẩn bị khai thác. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

“Nghiên cứu đánh giá tác động không chỉ bao gồm đánh giá về các khía cạnh như các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, mà cần đánh giá cả về ngành công nghiệp ô tô và các ngành phụ trợ tại Trung Quốc, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về các sản phẩm trong những ngành có liên quan”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Trước tình trạng giá cao su liên tục giảm trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý và Hiệp hội Cao su Việt Nam đã khuyến cáo các nhóm tham gia khâu sản xuất hạn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, các khuyến cáo này chỉ có tác dụng với khối doanh nghiệp, với loại hình cao su đại điền.

Với nguồn cung từ tiểu điền hiện nay chiếm trên 60% trong tổng lượng cung cao su thiên nhiên của cả nước và thích ứng về cung - cầu thị trường của nhóm cao su tiểu điền còn chậm, đồng thời sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện ngành cao su có ba nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng này đạt trên 6,4 tỷ USD, đóng góp 5,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho rằng, ngành cao su rất đặc biệt và có một lợi thế rất lớn, tận dụng không bỏ bất kỳ cái gì, từ cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ. Hiện nay, giá trị thu được từ 3 loại sản phẩm này là tương đương nhau.

Nhưng làm sao để biến lợi thế này thành một lợi thế thật sự, thay vì thu được 1 tỷ USD thì phải tiến tới thu được 3 tỷ USD. Muốn làm được điều này, ngành cao su phải biết người mua là ai và cần gì.

Ông Trần Minh, Trưởng Ban Công nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, khi ngành chế biến gỗ đang trên đà phát triển mạnh, gỗ cao su được xác định là một nguồn nguyên liệu quan trọng và “sạch”, để tăng lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có những bước đi và mô hình thử nghiệm trồng cao su ưu tiên khai thác lấy gỗ và mủ chỉ là thứ yếu.

Khi xác định nhu cầu của thị trường, việc trồng cao su sẽ theo hướng làm sao sinh ra lợi nhuận nhiều nhất trên 1ha cao su. Với chu kỳ lấy mủ hiện nay từ 25- 27 năm, hiện tại cao su đã có giống mới rút ngắn chu kỳ thanh lý chỉ 15 năm là thanh lý cho sản lượng gỗ cao nhất. Tập đoàn sẽ hướng tới mục đích tăng lợi nhuận cao nhất trên 1ha cao su. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã áp dụng các mô hình trồng cao su xen canh như trồng keo lai cây gỗ lớn trong vườn cao su theo dạng trồng rừng bền vững.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, ngành và doanh nghiệp cao su cần có chiến lược cụ thể, nhằm quản lý rủi ro, bao gồm cả rủi ro về thị trường và tính pháp lý của sản phẩm, cùng với đó là có những bước đi chuyển dịch hiệu quả để tái cơ cấu chuỗi cung, chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và quan tâm phát triển thị trường nội địa.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhằm nỗ lực xây dựng hình ảnh và uy tín của ngành cao su, Hiệp hội và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện đề án xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam, thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Chứng nhận này đã được bảo hộ ở các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ. Dự kiến sẽ tiếp tục đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác mới để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong thời kì ngành cao su thiên nhiên còn nhiều khó khăn.

Bích Hồng (TTXVN)