08:00 26/08/2011

Cao Bằng: Trường xây xong đã lâu, không thấy học sinh đâu

Đó là thực tế diễn ra từ nhiều năm nay tại Trường Trung học cơ sở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Theo thiết kế ban đầu, trường được xây dựng với cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia thuộc dự án Phát triển giáo dục Trung học cơ sở II.

Đó là thực tế diễn ra từ nhiều năm nay tại Trường Trung học cơ sở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Theo thiết kế ban đầu, trường được xây dựng với cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia thuộc dự án Phát triển giáo dục Trung học cơ sở II.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến công trình đã được nghiệm thu chỉ với 4 phòng học và 1 phòng ở của học sinh nội trú mà không hề có sân, tường rào, nhà vệ sinh, điện và nước... Hiện nay, do thiếu lớp nên cả 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều học ghép và bó gọn trong hơn 3.000 m2 tại trường THCS Hạnh Phúc cũ.

Trong đó, học sinh mầm non có 2 lớp, tiểu học có 5 lớp và THCS có 6 lớp. Ông Bế Văn Đông, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Uyên cho biết, trường xây xong đã nhiều năm nhưng vẫn không được đưa vào sử dụng là do không hề có nhà ở cho giáo viên, không có phòng hội đồng cũng như các hạ tầng thiết yếu như: điện, nước, nhà vệ sinh… Điều quan trọng nhất là ngôi trường mới chỉ có 4 phòng nên nếu chuyển toàn bộ cấp học nào lên cũng đều nhỡ cỡ. Nếu chuyển học sinh mầm non lên thì lại thừa phòng vì nhu cầu cho trường mầm non chỉ có 2 lớp, còn nếu chuyển cấp tiểu học và THCS lên thì lại thiếu lớp và nhà giáo vụ.

Cũng theo ông Đông, ngôi trường do Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư, nên phòng không biết xử lý thế nào. Để khắc phục thực trạng trường bị “bỏ hoang”, vào năm học mới này, nhà trường sẽ chuyển một cấp học lên trường mới. Tuy nhiên, cả thầy và trò sẽ gặp nhiều bất tiện, khó khăn như: Sau mỗi tiết học thì các thầy cô sẽ phải đi bộ gần 1 km đường đồi từ trường cũ lên trường mới, bên cạnh đó các trang thiết bị như dụng cụ thí nghiệm cũng sẽ phải chuyển đi chuyển lại.

Thậm chí để tiện cho việc sinh hoạt, thầy và trò đã phải tự bỏ tiền để xây nhà vệ sinh, lắp đường ống nước với chi phí gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên điện vẫn thiếu, nên các thiết bị như máy vi tính, đồ dùng thí nghiệm sẽ bị bỏ không.

Ông Đàm Chiến Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc bức xúc: Đây cũng là vấn đề mà nhiều người dân ở xã Hạnh Phúc phản ánh qua các kỳ họp HĐND và tiếp xúc cử tri ở huyện… Để có thể xây dựng được ngôi trường, năm 2005 lãnh đạo xã Hạnh Phúc đã vận động trên 600 hộ dân đóng góp để mua mặt bằng với diện tích khoảng 2.700 m2. Thế nhưng khi xây xong ngôi trường vẫn bị bỏ hoang mà con em họ không được hưởng lợi từ công trình này.

Mạnh Hà