12:00 28/12/2011

Cạnh tranh phải từ chất lượng

Sự tham gia xuất khẩu (XK) trở lại của Ấn Độ, Pakixtan... đang làm giá gạo thế giới có chiều hướng giảm sâu, gây bất lợi cho gạo Việt Nam ở phân khúc trung bình và thấp.

Sự tham gia xuất khẩu (XK) trở lại của Ấn Độ, Pakixtan... đang làm giá gạo thế giới có chiều hướng giảm sâu, gây bất lợi cho gạo Việt Nam ở phân khúc trung bình và thấp. Bất chấp thực trạng thị trường và cảnh báo của ngành chức năng, vụ đông xuân này, nhà nông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiếp tục gieo sạ đại trà các giống lúa thiếu tính cạnh tranh trên thị trường XK.

Nỗi lo mang tên IR 50404

Đã gần 3 năm trôi qua, nhưng có lẽ nhiều nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa quên nỗi ám ảnh khi hạt lúa do mình nặng nhọc làm ra không tiêu thụ được. Đó là thời điểm vụ hè thu năm 2008, khi thương lái đồng loạt “tẩy chay” không thu mua lúa IR 50404 khiến không ít gia đình lao đao. Nhưng ngay sau đó, do sức hút XK lúa gạo phẩm cấp thấp trên thị trường thế giới, thị trường lại trở nên nóng với loại gạo này. Với những lợi thế ngắn ngày, cho năng suất cao, dễ trồng... IR 50404 đã được người dân các tỉnh ĐBSCL – khu vực trọng điểm XK lúa gạo của cả nước - bất chấp cảnh báo của ngành chức năng vẫn “chung thủy” gieo sạ.
 

Sản xuất lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL cần được quy hoạch lại theo hướng bền vững nhằm nâng cao hiệu quả.


Là vụ lúa chính trong năm, vụ đông xuân 2011 - 2012 các tỉnh ĐBSCL phấn đấu xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chỉ những nơi diện tích nhỏ, không đáng kể mới trồng 100% giống IR50404 để tiêu thụ tại địa phương; còn những vùng khác, nông dân phải chủ động xuống giống lúa chất lượng cao phục vụ XK. Tuy nhiên qua các con số khảo sát tại nhiều tỉnh, thành, người dân vẫn “bình chân như vại” khi xuống giống loại lúa này. Tại tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 77.000 ha, trong đó giống lúa IR 50404 chiếm khoảng từ 50 - 60% diện tích. Nhiều tỉnh khác trong vùng như Sóc Trăng, Trà Vinh... con số thấp hơn nhưng vẫn vượt ngưỡng quy định hơn 20 - 30%. “Năm nay lũ lên cao và xuống chậm nên tôi quyết định chọn giống lúa ngắn ngày này để gieo sạ trên hơn 5 công ruộng của mình.

Chỉ mong là khi thu hoạch giá sẽ không rớt nhiều như các ngày qua”, anh Hải ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) lo lắng.

Theo các thương lái thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL, dù lúa hàng hóa trên thị trường không còn nhiều nhưng giá lúa vụ thu đông đang có chiều hướng giảm mạnh, ở mức thấp nhất từ đầu vụ đến nay. Trong đó, giá lúa IR50404 đã giảm khá sâu. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi chỉ còn 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa khô có giá 6.000 - 6.100 đồng/kg, giảm 200 - 500 đồng/kg so với trước đó 2 tuần. Riêng giá gạo nguyên liệu và thành phẩm giảm thêm từ 100 - 300 đồng/kg và đang được đầu mối thu mua ở mức 8.500 - 8.700 đồng/kg. Nguyên nhân là sức tiêu thụ giống lúa chất lượng thấp trên thị trường liên tục giảm đã làm cho nguồn cung thừa, kéo giá lúa lao dốc. Giá xuống thấp nhưng tư thương vẫn e dè trong thu mua đang làm cho nhiều nhà nông đứng ngồi không yên với bài toán giải phóng đầu ra, tìm vốn cho tái sản xuất.

Qua rồi thời chạy theo lượng

Bộ Công Thương tính toán, dự kiến XK gạo trong tháng 12 sẽ thêm khoảng 400.000 tấn, góp phần đưa con số XK của cả năm 2011 lên hơn 7 triệu tấn, với kim ngạch 3,7 tỷ USD - đạt mức cao nhất từ khi tham gia thị trường XK gạo đến nay. Thống kê cho thấy, thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là những nước châu Á như Inđônêxia, Philíppin... chiếm 67%; sau đó là châu Phi, châu Mỹ...

Con số XK ấn tượng trong năm 2011 là thế, nhưng số lượng XK còn lại cho năm 2012 rất khiêm tốn khi chỉ có hơn 220.000 tấn, đạt gần 1/5 so với cùng kỳ các năm trước và là mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân do hầu hết lượng gạo XK của doanh nghiệp trong nước thuộc phẩm cấp thấp không hấp dẫn được về giá so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Pakixtan... Trong khi đó, gạo cao cấp của Việt Nam đang khẳng định được uy tín về chất lượng vẫn có hợp đồng và bán với giá cao, lại đang được nhiều nước như Trung Quốc, Thụy Điển, Ôxtrâylia... săn đón.

Theo dự báo của Ride Trader, giao dịch gạo thế giới năm 2012 sẽ ở khoảng hơn 32 triệu tấn, trong đó Thái Lan dự kiến xuất khẩu 8,5 triệu tấn, Việt Nam khoảng 6,5 - 7 triệu tấn và chiếm gần 50% thị trường thế giới. Thị phần còn lại được phân chia cho Ấn Độ, Pakixtan. Đây là 2 thị trường XK gạo cấp thấp, có giá bán luôn rẻ hơn gạo cùng loại của Việt Nam khoảng 100 USD/tấn. “Thị trường gạo thế giới chắc chắn sẽ hình thành mặt bằng giá mới trong những tháng tới và giá lúa gạo của các bạn khó giữ được giá cao như thời gian qua. Thái Lan vốn có ưu thế về gạo thơm sẽ tăng mạnh giá XK do chính sách tăng giá thu mua, diện tích trồng và quy mô hạn chế... nên sẽ thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn. Đây là lợi thế của các bạn trong việc tạo ra đối trọng cũng như tìm ra được lối đi mới cho XK gạo trong tương lai”, ông V Subramanian, Phó Chủ tịch Rice Trader cho hay.

Tại Hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam” được tổ chức mới đây tại tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng đã đến lúc ngành nông nghiệp phải có những giải pháp can thiệp, hạn chế tình trạng xuống giống lúa chất lượng thấp tràn lan. Theo đó, vụ đông xuân cũng như những vụ tiếp theo của năm 2012, cần tăng cường sản xuất thêm lúa thơm Jasmin vốn đang được thị trường ưa chuộng và giá cả hợp lý. Riêng đối với giống IR 50404 nên trồng ở mức độ vừa phải theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tránh trường hợp “bội thực” nguồn cung như năm 2008. Theo ông Huệ, 2 năm qua, gạo thơm Việt Nam đã chen chân vào nhiều thị trường và sang năm tới sẽ đẩy mạnh XK gạo đồ - loại gạo vốn do Thái Lan XK chính. Thực tế XK thăm dò cho thấy, chất lượng gạo thơm, gạo đồ của Việt Nam đang được nhiều bạn hàng đánh giá cao và rất tiềm năng trong tương lai.

Phải thay đổi tư duy sản xuất

Năm 1992, với đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn (85 - 90 ngày), điều kiện thích nghi rộng trên nhiều vùng đất và canh tác được 3 vụ/năm, lần đầu tiên giống lúa IR 50404 được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa vào gieo trồng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, các năm gần đây, Bộ đã có công điện khuyến cáo nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL sản xuất không quá 20% trong cơ cấu; đồng thời cơ cấu lại giống lúa, đảm bảo năng suất và nâng cao chất lượng, giữ uy tín cho thương hiệu gạo của Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, ngành nông nghiệp phải có một chiến lược quyết liệt nâng cao chất lượng cụ thể chứ không “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua. Những việc cần làm ngay là đầu tư và mở rộng các chương trình lai tạo và chọn lọc giống có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo điều kiện cho nhà nông áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng do chính doanh nghiệp thu mua đề nghị sau khi dựa vào nhu cầu thị trường...

Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, PGĐ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, điều nghịch lý là hiện đầu tư cho khoa học nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng còn thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 30 triệu USD/năm. Phát triển nông nghiệp hiện được ghi nhận nhờ đầu tư vốn, lao động... trong đó vốn cho đầu tư khoa học chỉ ở mức gần 50% so với các nước trong khu vực. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng nhà nông đang “đói” những giống lúa cho năng suất và chất lượng cao, khi nguồn cung chỉ khoảng 35% giống xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa... “XK nông nghiệp năm 2011 dự kiến đạt khoảng 27 tỷ USD là con số rất lớn nhưng con số dành cho đầu tư trở lại thì quá khiêm tốn. Điều này đang góp phần cản trở thế mạnh XK nông sản, trong đó có lúa gạo của Việt Nam và gây những lãng phí lớn”, ông Bửu nói thêm.

Lê Nghĩa