07:05 12/07/2019

Cảnh sát Mỹ vẫn dùng máy bay không người lái Trung Quốc

Các đơn vị giữ trật tự công cộng tại Mỹ tiếp tục sử dụng máy bay không người lái do công ty Trung Quốc DJI sản xuất, bất chấp chính quyền Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại các thiết bị này có thể gửi thông tin giám sát nhạy cảm về Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Wang Tao - người sáng lập DIJ - điều khiển một chiếc máy bay không người lái tại trụ sở Thâm Quyến. Ảnh: Xinhua

“Từ năm 2015 đến 2018, chúng tôi chứng kiến mức độ tăng trưởng đến 500% trong việc sử dụng máy bay không người lái tại các cơ quan đảm bảo an toàn công cộng ở Mỹ”, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Jan Gasparic - Giám đốc quan hệ đối tác chiến lược tại DJI – phát biểu tại hội nghị công nghệ RISE tổ chức ở Hồng Kông (Trung Quốc) hôm 10/7.

Việc máy bay không người lái được sử dụng phổ biến trong các cơ quan an toàn của Mỹ cho thấy chiến lược của DJI tập trung vào lĩnh vực kinh doanh công nghiệp cùng các sản phẩm mới đã đem lại kết quả.

“DJI bắt đầu với vị trí là một công ty sản xuất máy bay không người lái nhưng chúng tôi sẽ không chỉ phát triển trong lĩnh vực đó. Chúng tôi luôn áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để đưa công nghệ then chốt vào các sản phẩm mới”, Giám đốc Gasparic nhấn mạnh.

Hồi tháng Năm, hãng CNN đưa tin Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo các công ty Mỹ phải “cảnh giác” trước các trường hợp dữ liệu hệ thống không người lái (UAS) được chuyển cho bên thứ ba.

Theo Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và an ninh mạng thuộc bộ trên, máy bay không người lái là “mối nguy tiềm tàng đối với thông tin của một tổ chức”.

Mặc dù cảnh báo từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ không nêu cụ thể tên của bất kỳ nhà sản xuất nào, song theo kết quả nghiên cứu của Skylogic, công ty DJI của Trung Quốc – sản xuất gần 80% máy bay không người lái đang được sử dụng ở Bắc Mỹ - có thể bị cấm bán sản phẩm cho Washington.

Tuần này, công ty DJI trình làng hai mẫu máy bay không người lái an ninh cao được thiết kế phục vụ nhu cầu của chính phủ và hai mẫu này đã nhận được giấy phép thông qua của Bộ Nội vụ Mỹ.

Phản ứng trước những lời cáo buộc của chính quyền Tổng thống Trump cho rằng các thiết bị của Trung Quốc làm nhiệm vụ tình báo gửi thông tin về cho Bắc Kinh, DJI nhiều lần bác bỏ. Tháng trước, công ty thông báo dự định mở một dây chuyền sản xuất mới ngay tại Mỹ.

Thành lập tại Thẩm Quyến, Trung Quốc từ năm 2006, cơ sở ban đầu của DIJ từ một căn phòng ký túc xá chật hẹp đã phát triển thành một công ty toàn cầu với 14.000 nhân viên và 17 văn phòng đại diện tại các nước. Công ty kiểm soát hơn 70% thị trường máy bay không người lái tiêu dùng và thương mại toàn cầu. Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 18 tỷ NDT, nhảy vọt 80% so với năm trước đó.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức