03:09 20/03/2012

Cảnh giác- yếu tố sống còn trong khai thác điện hạt nhân

Văn hoá "cảnh giác thường trực" và nâng cao các điều kiện an toàn là hai yếu tố sống còn để đảm bảo rằng lợi ích của năng lượng hạt nhân luôn có thể được khai thác và tận dụng an toàn đối với con người.

Văn hoá "cảnh giác thường trực" và nâng cao các điều kiện an toàn là hai yếu tố sống còn để đảm bảo rằng lợi ích của năng lượng hạt nhân luôn có thể được khai thác và tận dụng an toàn đối với con người.

Ngày 19/3, tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các chuyên gia hạt nhân quốc tế đã thảo luận các bài học từ thảm họa hạt nhân Fukushima của Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa an toàn hạt nhân toàn cầu.

Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 20/2/2012, gần 1 năm sau thảm họa. Ảnh: AFP-TTXVN.


Tổng Giám đốc IAEA, Yukiya Amano, nhấn mạnh cơ quan này và cộng đồng quốc tế đã là các đối tác kiên định của Nhật Bản và sẽ tiếp tục làm mọi việc để giúp khắc phục tác động của thảm họa hạt nhân này trong những năm tới. Những thách thức sẽ phải đối mặt bao gồm khử phóng xạ trong nhà máy và các khu vực bị nhiễm xạ, cứu chữa phục hồi các lò phản ứng và tăng cường an toàn hạt nhân. Nhờ các chính phủ và các nhà quy chế đã hành động tích cực dựa trên các bài học từ thảm họa này, năng lượng hạt nhân thế giới đã an toàn hơn một năm trước đây. Tuy nhiên, văn hoá "cảnh giác thường trực" và nâng cao các điều kiện an toàn là hai yếu tố sống còn để đảm bảo rằng lợi ích của năng lượng hạt nhân luôn có thể được khai thác và tận dụng an toàn đối với con người. Thế giới đã nhận biết những nguyên nhân và đã đề ra tiến trình hành động rõ ràng để giải quyết các nguyên nhân này không chỉ ở Nhật Bản mà phải trên toàn cầu.

Các chuyên gia kỹ thuật từ các tổ chức nghiên cứu, thiết kế các tiện nghi hạt nhân của các nước thành viên IAEA, các tổ chức quy chế, các công ty dịch vụ và chế tạo lò phản ứng đã cùng phân tích các khía cạnh kỹ thuật của lò phản ứng, quá trình quản lý an toàn các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, cũng như các hoạt động khác liên quan đến các tai nạn hạt nhân nghiêm trọng để hiểu rõ và đầy đủ hơn các nguyên nhân căn bản dẫn đến thảm hoạ hạt nhân.

Các chuyên gia hạt nhân quốc tế cho rằng trên cơ sở những bài học của thảm hoạ hạt nhân Fukushima, kế hoạch hành động an toàn hạt nhân được xây dựng bao gồm an toàn hạt nhân, tình trạng chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng trước tình trạng khẩn cấp, bảo vệ chống phóng xạ cho con người và môi trường, các khuôn khổ pháp lý quốc tế tương ứng. 12 lĩnh vực hành động đã được xác định trong chương trình hành động toàn diện để tăng cường an toàn hạt nhân toàn cầu. Các nước cần đánh giá các nguy cơ dễ bị tổn thương của các nhà máy điện hạt nhân dưới ánh sáng của thảm hoạ Fukushima về hiệu quả của các dàn xếp liên quan đến chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng khẩn cấp quốc gia và quốc tế, các tiêu chuẩn an toàn mới của IAEA cũng như các khuôn khổ pháp lý quốc tế. Nghiên cứu và phát triển cần được thúc đẩy trong các lĩnh vực liên quan đến các thảm hoạ tư nhiên, thiết kế mới để bảo vệ an toàn lò phản ứng trước tác động cực đoan của thảm hoạ tự nhiên, quản lý tai nạn, giám sát quy chế, phản ứng khẩn cấp.


TTXVN/Tin tức