01:23 29/01/2016

Cảnh giác với thực phẩm giả

Dịp Tết cận kề cũng là lúc mối lo về tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tăng cao. Trong đó, rượu và bánh mứt kẹo là những mặt hàng được sử dụng rất nhiều trong dịp Tết, là những thực phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nguy hiểm với sức khỏe

Trong đợt thanh tra đột xuất tại làng nghề sản xuất mứt Tết Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành ATVSTP Trung ương do Cục ATTP, Bộ Y tế chủ trì; đã phát hiện tình trạng mất vệ sinh trong khâu phơi nguyên liệu làm mứt tại đây. Hàng trăm kilôgam bí, đu đủ... đã qua sơ chế để làm mứt, được phơi ngay trên tấm bạt mỏng trải trên nền đất có lẫn nhiều sạn đất, bụi bẩn; thậm chí còn phơi ngay gần nhà vệ sinh công cộng, đầy ruồi nhặng bâu...

Nên mua các sản phẩm bánh, mứt, kẹo của các cơ sở sản xuất lớn, có uy tín.

Không chỉ mứt, các sản phẩm rượu và bánh kẹo là mặt hàng được sử dụng với số lượng lớn trong dịp Tết; nên nhiều cơ sở sản xuất, nhập khẩu đã ồ ạt, làm ngơ khâu bảo đảm an toàn thực phẩm, hoặc vì lợi nhuận mà trà trộn hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng để bán cho người dân sử dụng, đặc biệt là những dòng rượu ngoại được ưa chuộng, với giá thành cao, nên thường bị làm giả. Dịp vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và tịch thu rất nhiều lô rượu ngoại giả. Theo các cơ quan chức năng, càng gần tới Tết thì tình trạng rượu giả trà trộn tại thị trường sẽ càng nhiều hơn.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Với lượng sử dụng rất lớn, rượu và bánh mứt kẹo là những mặt hàng trọng điểm trong các đợt thanh tra ATVSTP cuối năm. Những mặt hàng này nếu không đảm bảo vệ sinh, an toàn, rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Còn TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: Các sản phẩm bánh mứt kẹo sử dụng các yếu tố độc hại, sản phẩm giả, sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ… có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Các sản phẩm rượu không đảm bảo chất lượng, rượu giả (được pha chế bằng cồn công nghiệp metanol) cũng có thể gây các vụ ngộ độc cấp tính, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Bởi vì trong các loại rượu giả, rượu kém chất lượng thường có nồng độ methanol hoặc aldehyde cao, đây là những chất có tác động rất mạnh đến tế bào thần kinh có thể nhanh chóng gây tụt huyết áp, choáng váng, nôn mửa, mờ mắt... dẫn đến tử vong. Ngoài những trường hợp ngộ độc cấp tính do uống liều lượng cao, nếu sử dụng các loại rượu giả, rượu kém chất lượng kéo dài có thể gây nhiễm độc thần kinh mãn tính, tổn thương gan, thận, lú lẫn, mất kiểm soát...

Làm người tiêu dùng thông minh

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đón Tết, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì người tiêu dùng cần có sự sáng suốt khi lựa chọn các sản phẩm.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế, khuyến cáo: Nên chọn các sản phẩm được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, có nhãn mác đầy đủ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Bao bì của sản phẩm không được rách, nát, không bị biến dạng và phải có đủ nhãn mác với các nội dung tên thực phẩm, địa chỉ, định lượng của thực phẩm, thành phần cấu tạo; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa. Tốt nhất người tiêu dùng, nên lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng có uy tín, siêu thị… những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh. Khi lựa chọn sản phẩm, người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan (nhìn, sờ, ngửi) để nhận dạng các tiêu chuẩn cảm quan bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi quyết định mua, sản phẩm phải còn nguyên đai nguyên kiện, không có màu sắc khác thường, không bị ố, mốc...

Với rượu, để phân biệt rượu thật với rượu giả, rượu kém chất lượng người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc của sản phẩm. Các loại rượu hiện nay có nhiều nguồn gốc khác nhau như: nhập ngoại, sản xuất tại các cơ sở, sản xuất tại hộ gia đình. Khi mua hoặc sử dụng cần phải chú ý các thông tin trên sản phẩm như: Sản phẩm phải còn nguyên đai, nguyên kiện, tem, mác, dấu niêm phong phải đầy đủ; trên bao bì có ghi rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, người chịu trách nhiệm, thành phần chất lượng… Cũng còn một cách phân biệt rượu thật, rượu giả nữa mà người tiêu dùng có thể áp dụng. Theo đó, hiện nay trên mỗi chai rượu ngoại mang thương hiệu chính hãng đều được dán thêm một loại tem chống giả đặc biệt trên cổ chai mà người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra bên ngoài để biết là sản phẩm thật thông qua 3 phương pháp đơn giản.

Cách 1 là phân biệt bằng nước: Ở phần chính giữa tem có in tên thương hiệu tương ứng; khi dùng nước thấm trực tiếp lên phần chính giữa của tem thì tên thương hiệu sẽ bị chìm dần; khi lau khô phần tem được thấm nước, tên thương hiệu lại hiện ra giống như hình ảnh ban đầu. Cách 2, nhận biết qua ô Polime trong suốt trên tem: Trên tem có ô Polime hình chữ nhật trong suốt có in chìm tên thương hiệu màu bạc; hiệu ứng này giống như ở tờ tiền Polime. Cách 3, nhận biết bằng tên thương hiệu in ngược 180O ở rãnh màu trắng siêu nhỏ phía giữa tem: Rãnh nhỏ màu trắng ở giữa tem có in tên thương hiệu siêu nhỏ ngược; dòng chữ thương hiệu này sẽ hiển thị rõ hơn khi dùng kính lúp để soi chiếu.
PV