12:11 28/12/2012

Cảnh giác với nạn trộm hoa, cây cảnh

Đối với người nông dân trồng các cây trồng đặc thù trang trí và làm đẹp cho dịp Tết với đầu tư tiền bạc, công sức vất vả thì cũng chỉ trông vào nguồn thu dịp này mà thôi. Khi bị bọn trộm “thu hoạch hộ”, nhiều hộ điêu đứng và… mất Tết!

Bao giờ cũng vậy, cứ bước vào dịp cuối năm, khi mà hoa cây cảnh đang chuẩn bị đón Tết là bọn “đạo chích” lại bắt đầu “ngó nghiêng”. Chúng thường rình mò ở những nhà vườn có các loại hoa, cảnh cảnh có giá trị, và rình chủ nhà sơ hở mất cảnh giác là chôm chỉa.


Một số loại hoa, cây cảnh được trồng ở những nơi xa dân cư, không có người dựng lều trông nom cũng là “tâm điểm” của bọn trộm tìm đến. Trong khi các nhà trồng hoa cây cảnh, nhất là những nhà vườn trồng ở những cánh đồng xa thì chỉ dịp giáp Tết họ mới dựng lều lán để trông coi.


Kể cả khi đã dựng lều lán lên rồi, không phải nhà nào cũng cắt cử người thường xuyên có mặt tại ruộng hoa, cây cảnh để trông coi, mà thi thoảng họ mới ra thăm ruộng, hoặc buổi thì ngủ tại lều, buổi lại không.


Đối với người nông dân trồng các cây trồng đặc thù trang trí và làm đẹp cho dịp Tết với đầu tư tiền bạc, công sức vất vả thì cũng chỉ trông vào nguồn thu dịp này mà thôi. Khi bị bọn trộm “thu hoạch hộ”, nhiều hộ điêu đứng và… mất Tết! Hầu như giáp Tết năm nào cũng xảy ra nhiều vụ trộm hoa, cây cảnh ở nhiều địa phương.


Năm nay, khi mà Tết còn cách cả tháng trời, nhưng nạn trộm cắp đã “tung hoành” ngang dọc. Bọn gian trộm hoa, cây cảnh mang về trồng, chăm bón tại vườn nhà của chúng và đợi đến Tết mới bán. Mới đây, tại làng hoa Vân Trì, Đông Anh (Hà Nội), gia đình anh Lê Văn Quyết đã bị kẻ gian đột nhập vào khu vườn phía sau nhà bê đi một số chậu sung, si, cảnh uốn thế và nhiều chậu hoa hồng môn, hoa cúc mâm xôi, đỗ quyên… chuẩn bị bán Tết, trị giá hàng chục triệu đồng.


Anh Quyết cho biết: Mặc dù đã rất cảnh giác và rào lưới cẩn thận, nhốt một con chó tại lều nhưng bọn trộm đã đánh bả chó chết, rồi hoạt động. Theo anh Quyết hầu như năm nào ở làng hoa này cũng có các vụ mất trộm hoa, cây cảnh vào dịp áp Tết, nhất là đối với những loại hoa, cây cảnh trồng ở ngoài đồng.


Hay như vụ mất trộm 200 gốc hoa ly màu phớt hồng đang độ nhú nụ chờ bán Tết trị giá cả chục triệu đồng mới đây của gia đình bà Nguyễn Thị Tám, ở làng hoa Mê Linh, Hà Nội cũng là bài học để những hộ trồng hoa, cây cảnh lưu tâm. Bọn trộm biết hoa ly có thể trồng lên chậu và bán chậu cảnh vào dịp Tết được giá nên đã “nhanh” hơn khổ chủ một bước. Chúng đã theo dõi khổ chủ, khi thấy nhà không có lều lán trông hoa, đã lợi dụng đêm tối để bứng trộm.


Gần đến Tết nên bọn trộm nhắm vào các loại hoa, cây cảnh để được lâu. Còn khi cách Tết chỉ độ một tuần thì hoa đào, quất cảnh, hoa mai… chắc chắn sẽ là “mục tiêu” của chúng vì khi đó chỉ phải chở ra chợ, xuôi phố bán luôn mà không hề mảy may lo sợ.


Mặc đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng hầu như vào dịp áp Tết năm nào, nạn trộm cắp hoa, cây cảnh cũng diễn ra. Chính vì vậy các gia đình trồng hoa đã là nạn nhân của bọn chôm chỉa.



Nguyễn Long