02:14 11/02/2011

Cảnh giác với nạn ăn cắp ở các đền, chùa ngày Tết

Đầu xuân đi lễ chùa, hướng về cõi Phật và làm điều phúc, điều thiện là một nét văn hóa đẹp đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Đầu xuân đi lễ chùa, hướng về cõi Phật và làm điều phúc, điều thiện là một nét văn hóa đẹp đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhiều người dân ở mọi miền đất nước cũng khá giả hơn, phong trào đi lễ chùa, trảy hội đầu xuân ngày càng rầm rộ hơn,... Vì thế, trong những ngày đầu năm mới Tân Mão 2011, các ngôi đền, chùa đã trở thành những địa điểm tụ tập đông người nhất. Lợi dụng chốn đông người, tình trạng giả danh ăn xin và ăn cắp điện thoại di động đặc biệt gia tăng mạnh tại các đền, chùa dịp năm mới.

Chiều 6/2 (tức mùng 4 Tết Tân Mão), tại đền Bà Đế, Hải Phòng, chỉ trong vòng 15 phút từ 15 giờ -15 giờ 15 phút, tại khu vực trước cửa ban thờ Mẫu đã có tới 3 du khách bị kẻ gian móc mất điện thoại di động. Những ngày đầu xuân Tân Mão, lượng du khách đến thăm và cúng viếng tại đền Bà Đế lên tới hàng vạn người.

Cảnh hành khất trước cổng vào Gò Đống Đa - Hà Nội (ảnh chụp lúc 9 giờ sáng 7/2). Ảnh: Lê Phú


Hai vị khách phát hiện ra mình bị "móc" điện thoại di động đã báo ngay cho bảo vệ ngôi đền, dù biết kẻ gian vẫn ở ngay trong gian thờ rộng chừng 40 m2, nhưng vì quá đông người nên cũng không có cách nào tìm ra tên tội phạm và lấy lại đồ đã mất. Bảo vệ ngôi đền đã thông báo công khai trên loa đề nghị mọi du khách cảnh giác với tình trạng mất cắp điện thoại di động tại đây. Nhưng ngay sau đó chừng 5 phút,... kẻ gian vẫn ngang nhiên lấy được chiếc điện thoại di động của vị khách không may mắn thứ 3! Một người bảo vệ ngôi đền cho biết: Từ đầu năm đến mùng 4 Tết, ngày nào cũng có du khách bị mất điện thoại di động tại khu vực thờ mẫu ở đền Bà Đế.

"Ăn mày cửa Phật" - câu thành ngữ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, răn dạy các phật tử hãy sống và làm những điều phúc, điều thiện dù chỉ là một việc nhỏ nhoi trong cuộc sống. Vậy nhưng điều răn dạy mang nghĩa bóng ấy đã bị "lợi dụng" và biến tướng thành những hình ảnh mang đầy màu sắc trần tục không lấy gì đẹp mắt.

Đó là những đoàn người ăn xin nằm la liệt trước lối vào những ngôi chùa ngày đầu xuân Tân Mão 2011 như ở chùa Đỏ, Hải Phòng. Đoạn đường từ phố vào chùa chỉ dài chừng 30 m nhưng chiều mùng 4 Tết có tới 12 nhóm người ăn xin nằm kế tiếp. Nhóm thì gồm hai trẻ nhỏ: đứa lớn 8 tuổi ngồi che nắng không rọi vào mặt cho đứa bé đang ở tuổi ẵm ngửa nằm ngủ ngay trên đất; nhóm thì gồm một cụ bà mặt bôi đầy tro bếp đen đủi với chiếc nón mê rơi vài đồng bạc lẻ và một cô gái với đôi chân cụt (do bị bó gập lên trong ống quần)...!

Khách đến viếng chùa Đỏ đầu năm Tân Mão, ai cũng được nhắc nhở: "Hãy làm ơn làm phúc ngày xuân năm mới, ban cho những kẻ "ăn mày cửa Phật" chút lộc rơi lộc rụng...". Điệp khúc ấy kéo dài suốt quãng đường du khách bước chân từ phố xa bon chen để tới chiêm ngưỡng ngôi tượng Đức Phật Tổ nghìn tay nghìn mắt được coi là to, đẹp và cổ xưa nhất - ngôi tượng Phật đã tạo nên thương hiệu có một không hai của ngôi chùa Đỏ. Một chị bán hàng nước ngay gần ngôi chùa cho biết: Ngày thường hoặc khi du khách vắng, những kẻ "ăn mày cửa Phật" này đi lại hoạt bát, nhanh nhẹn, có kẻ còn mua hàng trăm ngàn đồng tiền xổ số vui xuân,... !

Tại đền Ngọc Sơn (Hồ Hoàn Kiếm) tọa lạc ngay nơi trung tâm nhất của thủ đô Hà Nội cũng đang tái diễn hiện tượng móc túi lấy cắp tiền và điện thoại di động của khách một cách ngang nhiên. Kẻ cắp còn là những phụ nữ ăn vận rất diện khiến du khách, phật tử không cảnh giác.

Hoàng Hoa