08:10 13/08/2011

Cảnh giác với “cơn bão” tài chính trên quy mô toàn cầu

Quyết định lịch sử của S&P hạ mức tín nhiệm tín dụng của Mỹ từ “AAA” xuống “AA+” cùng với nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu (EU) lan rộng đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Quyết định lịch sử của S&P hạ mức tín nhiệm tín dụng của Mỹ từ “AAA” xuống “AA+” cùng với nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu (EU) lan rộng đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam (tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài), nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nền kinh tế vốn đang phải chống đỡ với lạm phát và nhập siêu sẽ thêm khó khăn khi phải chịu tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nguy cơ tác động nhiều mặt

Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm là mục tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


“Cơn bão” tài chính thế giới hiện nay xuất phát từ tình hình nợ công của khối thị trường chung châu Âu và Mỹ đã đến mức báo động. Nhiều quốc gia đang đứng trước bờ vực phá sản và cần tìm biện pháp ứng phó. Đối với EU, ngân hàng Trung ương ECB đã có quyết định mua lại một khối lượng lớn trái phiếu của các quốc gia thành viên đang gặp khó khăn để chặn đà tăng lãi suất. Còn về phía Mỹ, mặc dù Quốc hội thông qua việc tăng hạn mức vay nợ của Chính phủ Liên bang, nhưng việc này không đồng nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi và khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ sẽ được cải thiện. Do vậy, công ty xếp hạng S&P hạ mức hệ số tín nhiệm của trái phiếu nhà nước Mỹ từ AAA xuống AA+, có nghĩa là chất lượng trái phiếu nhà nước Mỹ bị giảm và lãi suất sẽ tăng cao.

Trên thực tế, thị trường nước ta những ngày qua đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động của thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là sự trồi sụt của thị trường vàng, chứng khoán, ngoại hối…

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành, các định chế tài chính quốc tế thường xem lãi suất trái phiếu của nước Mỹ như là một lãi suất cơ bản để định lãi suất của hàng loạt các trái phiếu doanh nghiệp. Do lãi suất của trái phiếu Mỹ tăng, lãi suất các loại trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng theo và tạo nên một mặt bằng lãi suất cao trên thị trường tài chính quốc tế. Chi phí tài chính của các doanh nghiệp bị đội lên, giá thành sản phẩm bị đẩy lên, hàng loạt các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, khả năng phục hồi kinh tế của các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Đà tăng trưởng của các quốc gia sẽ chững lại, nhập khẩu sẽ giảm, tiêu dùng sẽ giảm và ảnh hưởng gián tiếp đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Từ trước đến nay, Mỹ và EU luôn là một trong 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất toàn cầu và cũng là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam về nhiều mặt hàng như dệt may, thủy sản, da giầy, đồ gỗ…

Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn khi chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Nhưng mặt khác, theo ông Thành, vì lãi suất tăng, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đa quốc gia có chiều hướng tăng nên các tổ chức này phải tìm mọi cách giảm chi phí. Một trong những giải pháp là chuyển cơ sở sản xuất từ các thị trường giá lao động cao đến các thị trường có giá lao động thấp. Trong thời gian tới sẽ xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu tăng cường đầu tư sản xuất tại các nước đang phát triển, với chi phí sản xuất thấp, để hạ giá thành sản phẩm. Việt Nam sẽ là một địa chỉ đến của các doanh nghiệp này. Do đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có khả năng tăng.

Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao (tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu hơn là thị trường trong nước) theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Các quốc gia phát triển vốn là bạn hàng lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ tìm mọi cách giảm nhập khẩu, kể cả các biện pháp rào cản hành chính và phi thuế quan, như đã xảy ra với giầy dép vào châu Âu và thủy sản sang Mỹ. Ngược lại, nếu FDI vào Việt Nam tăng mạnh, kéo theo xuất khẩu tăng thì ảnh hưởng xuất nhập khẩu hai chiều có thể được cân bằng, nhưng hậu quả sẽ làm suy yếu cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Chủ động ứng phó

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cảnh báo, với tình hình kinh tế Việt Nam đang đối mặt với lạm phát và nhập siêu, nếu cơn bão tài chính kéo theo một cơn lốc FDI đổ bộ vào Việt Nam mà không có biện pháp “phòng chống” hữu hiệu thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có nguy cơ lạm phát và nhập siêu tăng đột biến. Một nguồn tài chính lớn tràn vào từ nước ngoài sẽ tung ra một khối lượng tiền vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt Nam thì việc giá cả tăng vọt là khó tránh khỏi.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ “cơn bão” tài chính toàn cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Mặt khác, theo kinh nghiệm những thời kỳ phát triển đã qua, FDI tăng thường kéo theo nhập siêu trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất. Như vậy, tuy rằng cán cân thanh toán sẽ được số vốn đầu tư FDI cân bằng, nhưng cán cân thương mại sẽ bị thâm hụt, khả năng mặt bằng giá cả tăng (mà ta thường gọi là lạm phát) và nhập siêu là khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam phải có giải pháp đối phó với nguy cơ thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Sách lược để tồn tại và phát triển là tập trung vào phát triển thị trường nội địa, đưa hàng hóa về nông thôn.

Về phía Nhà nước, nhiệm vụ chính trị là phải xây dựng một môi trường thông thoáng và những chính sách đồng bộ hơn nữa để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Có nghĩa là cần tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững, vì cộng đồng doanh nghiệp là nguồn sinh lực của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển tốt thì nền kinh tế phát triển tốt. Doanh nghiệp đình đốn hay phá sản, thì nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng một khó khăn lớn hiện nay đối với các doanh nghiệp là vấn đề lãi suất. Việc kiềm chế lạm phát kéo theo chính sách thắt chặt tiền tệ đã đẩy doanh nghiệp đến chỗ rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay và lãi suất cũng ở mức cao. Do đó, Nhà nước cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chuyên gia Bùi Kiến Thành lưu ý, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cho hệ thống ngân hàng vận dụng tất cả các công cụ quản lý tiền tệ để rút lãi suất ngân hàng xuống, chứ không phải nhìn chỉ số giá tiêu dùng để ấn định lãi suất. Do đó, “nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương là kéo lãi suất xuống mức hợp lý và cung ứng đầy đủ lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không để xảy ra lạm phát và cũng không để xảy ra thiểu phát”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương – TGĐ Công ty CP XNK Nam Dương: “Sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá trị xuất khẩu”
EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất với nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm xuất khẩu của nước ta, do đó theo tôi, bất kỳ những thay đổi nào liên quan đến sự phát triển cũng như sự ổn định của nền kinh tế, chính trị của EU đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề xuất khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, EU đang đối mặt với những khó khăn nội tại như lạm phát, nợ công… Nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị trước thì những nhóm hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… rất dễ bị tác động.
Là người làm công tác xuất nhập khẩu nhiều năm, doanh nghiệp chúng tôi luôn theo dõi rất sát sao những động thái của vấn đề này. Theo tôi, cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu sẽ khiến cho doanh nghiệp ở nhiều nước rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng và vì thế nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, do khó khăn trong việc huy động vốn, nhà nhập khẩu sẽ kéo dài thời gian nhận hàng hoặc thanh lý hợp đồng… gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Ông Đặng Hoàng Giang – Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam: “Có thể ảnh hưởng mạnh hơn vào năm 2012”
Năm năm qua, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu và cung cấp số lượng lớn các sản phẩm điều nhân cho các nước trên thế giới. Thị trường nhập khẩu sản phẩm của ngành chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, các nước EU… Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu nhân điều đã đạt hơn 69.000 tấn với kim ngạch khoảng 520 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá của cá nhân tôi về ảnh hưởng của vấn đề này không nhiều vì lượng điều Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi đang xuất hiện nhiều thị trường mới có triển vọng. Nếu có ảnh hưởng, theo tôi là chỉ mới bắt đầu và sẽ có thể ảnh hưởng mạnh hơn vào năm 2012 nếu tình trạng nợ công và kinh tế của EU không được cải thiện. Đầu tháng 9 tới đây, khi thị trường EU bước vào mùa tiêu thụ phục vụ các lễ hội lớn nhất trong năm như Giáng sinh, đón năm mới…, khách hàng nhập khẩu sẽ tăng trở lại và chúng tôi đang hy vọng tình hình xuất khẩu sẽ được cải thiện về giá cũng như lượng ở thị trường đầy tiềm năng này.
Nguyễn Văn Nghĩa (thực hiện)


Thu Hường