03:07 28/03/2019

Cảnh báo tình trạng học sinh đuối nước mùa nắng nóng ở Tây Nguyên

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 9 vụ đuối nước thương tâm khiến 15 học sinh tử vong, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với xã hội về tình trạng đuối nước trẻ em.

Hiện tại Gia Lai đã bước vào mùa nắng nóng, khô hạn, nên học sinh trước và sau giờ học tìm đến chơi tại các ao, hồ khiến tình trạng đuối nước dễ xảy ra hơn.

Chú thích ảnh
Hồ nước nơi 2 học sinh trường Trung học cơ sở Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang bị đuối nước ngày 25/3/2019.

Mới đây nhất, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang (Gia Lai) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong. Cụ thể vào chiều 25/3, một nhóm học sinh trường Trung học cơ sở Đăk Ta Ley rủ nhau lên khu vực thôn Nhơn Tân chơi. Tại đây, do trời nóng bức, hai em T.M.V (lớp 6A) và Đ.N.H (lớp 7A) rủ nhau xuống ao của người dân trữ nước tưới cà phê để tắm. Do bất cẩn, 2 em trượt chân vào khu vực nước sâu và đuối nước.

Trước đó, ngày 11/3, tại làng Greo, Pết, xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước do tắm ao khiến 3 học sinh tử vong, gồm: Siu Nội (sinh năm 2012, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngô Quyền); Siu Quyt và Siu Quy (hai anh em sinh đôi năm 2014 hiện là học sinh Trường Mẫu giáo Bằng Lăng).

Từ đầu năm 2019 đến nay rơi vào thời điểm mùa khô Tây Nguyên, khí hậu nắng nóng, địa hình đồi dốc nhiều sông, suối. Đồng thời, do hạn hán cục bộ, nhiều người dân Gia Lai đã tự ý đào ao, hồ trữ nước tưới cà phê nhưng không có biển báo nguy hiểm hay không có rào chắn. Trong khi đó, sau giờ học, các nhóm học sinh thường tìm đến nơi có nguồn nước để chơi, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần có các giải pháp an toàn để đảm bảo tính mạng cho trẻ em trong thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai: Đối tượng tử vong trong các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc trên địa bàn tỉnh Gia Lai hầu hết là học sinh, các vụ việc lại xảy ra ngoài giờ học, ngoài phạm vi trường học. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước đối với học sinh.

Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhắc nhở học sinh trong các buổi chào cờ; sinh hoạt lớp, nhóm, Đoàn - Đội về các biện pháp chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước. Qua đó, giúp học sinh trong trường hiểu rõ mối nguy hiểm khi tắm sông, suối, ao, hồ nơi vắng vẻ, không có người lớn trực bảo vệ; không chơi gần những khu vực ao hồ, sông suối có biển báo cấm, nhằm hạn chế tai nạn đuối nước xảy ra.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em; yêu cầu gia đình có ý thức thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong thời gian ngoài giờ học, nghỉ hè, mùa khô và mùa mưa bão.

Đồng thời, hàng năm khi kết thúc năm học, nhà trường có trách nhiệm bàn giao học sinh về địa phương, nơi cư trú, tổ chức quản lý, sinh hoạt trong hè; tham mưu Ban Chỉ đạo hoạt động hè của xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách có hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương, bố trí kinh phí để mua bể bơi di động (bể bơi thông minh) về dạy bơi cho học sinh ở những trường hay xảy ra đuối nước và những vùng có nguy cơ cao về đuối nước.

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cũng có nhiều công văn về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Trong đó, lưu ý việc chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành chức năng rà soát, thống kê số lượng ao hồ trên địa bàn để chỉ đạo cắm biển cảnh báo, làm rào chắn.

Cùng với đó, vận động khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm về đảm bảo an toàn trong phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Hồng Điệp (TTXVN)