12:18 08/12/2011

Cảnh báo tình trạng đòi nợ theo kiểu "xã hội đen"

Vụ bắt cóc xảy ra giữa trung tâm TP Hải Dương, liên quan đến món nợ khoảng 200 triệu đồng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hải Dương (Hải Dương), nạn nhân đã được giải thoát an toàn. Đây là một kiểu đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".


Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Công an TP Hải Dương cho biết: Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố 3 đối tượng có liên quan về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45) Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục điều tra, làm rõ.

Chịu chi phí 40% chỉ để đòi được tiền

Đó là thủ đoạn mà Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi, hiện ở tại đường Thanh Niên, phường Hải Tân, TP Hải Dương) thực hiện, nhằm lấy lại được hơn 200 triệu đồng. Trong vụ án này, nhờ sự can thiệp kịp thời của Công an TP Hải Dương, tính mạng của anh Bùi Xuân Thiện (27 tuổi, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương) nạn nhân của vụ bắt cóc đã được bảo toàn. Song, anh Thiện đã phải sống những giây phút vô cùng hoảng loạn…

Vụ việc bắt đầu từ lá đơn trình báo của chị Phạm Thị Hà (vợ anh Thiện) gửi đến Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hải Dương. Theo lời kể của chị thì khoảng 21h ngày 16/10, anh Thiện nói với chị ra ngoài gặp chị Thúy…

Anh Thiện đi khoảng một giờ thì chị Hà nhận được điện thoại từ số máy của chồng gọi về. Song khi chị nghe máy thì bên kia lại là giọng nói của một người đàn ông lạ mặt: "Chúng tôi đang giữ anh Thiện, vì anh Thiện nợ chị Thuý 227 triệu đồng. Nếu gia đình không trả chị Thúy số tiền trên thì chúng tôi sẽ chặt tay anh Thiện gửi về nhà". Sau đó, các đối tượng liên tục gọi điện cho chị Hà thúc ép gia đình trả tiền, bằng không gia đình sẽ không còn được gặp lại người thân…

Tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị Hà, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hải Dương đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và đảm bảo an toàn tính mạng cho anh Thiện.

Đến 19h ngày 20/10, anh Thiện đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Quá trình xác minh, cơ quan điều tra xác định Thúy là đối tượng chính trong vụ bắt cóc chiếm đoạt tài sản, đã tính toán các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ Thúy. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân, tránh để các đối tượng có thể bỏ trốn…

Ngày 1/11, cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương phục kích, bắt quả tang Thúy đang đánh bạc bằng hình thức bán số lô, số đề tại nhà Thúy ở lô A8.23 đường Thanh Niên, phường Hải Tân, TP Hải Dương. Từ các tài liệu thu thập được, Thúy khai nhận: Khoảng từ tháng 6/2011 đến giữa tháng 10/2011, Thiện nợ Thúy 227 triệu đồng. Thúy đã nhiều lần đòi tiền nhưng Thiện khất lần chưa trả.


Các đối tượng bị bắt giữ trong vụ án.



Thúy đã kể lại sự việc trên với Khuê, Khuê hứa sẽ tìm người đòi nợ giúp Thúy với điều kiện phải trả cho Khuê 40% số tiền đó. Thúy đồng ý. Ngày 16/10, Thế cùng một số đối tượng thuê 2 xe taxi ở Kinh Môn đến TP Hải Dương để đòi số tiền trên cho Thúy. Trên đường đi, nhóm của Thế bàn bạc với nhau bắt anh Thiện, sau đó gọi điện cho gia đình yêu cầu phải trả nợ cho Thúy…

Từ lời khai của Thúy, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt Trần Mạnh Khuê (38 tuổi, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương); Phạm Văn Thế (20 tuổi, trú tại xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi, ở đường Thanh Niên, phường Hải Tân) về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Xét thấy vụ án trên thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương nên Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Dương đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án trên đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương để tiếp tục điều tra. Trao đổi với chúng tôi sáng 5/12, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết đang củng cố hồ sơ bắt giữ các đối tượng còn lại trong ổ nhóm.

Các vụ việc đều bắt nguồn từ các giao dịch ngoài luồng

Thực tế các vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thời gian qua cho thấy các vụ án này đều bắt nguồn từ giao dịch "ngoài luồng", giao dịch trái pháp luật có liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, cho vay tiền với lãi suất cao...

Điển hình như ở vụ án trên, ngoài số tiền Thiện vay của Thúy (số tiền này chiếm một phần rất ít ỏi) thì phần còn lại đều là do nợ tiền đánh lô đề. Vì các giao dịch trên vi phạm pháp luật nên khi tiến hành giải quyết, người bị hại và các đối tượng có liên quan đều không nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Trong bối cảnh các vụ vỡ nợ tín dụng đen diễn ra ngày càng nhiều trên địa bàn cả nước thì các vụ án có thủ đoạn như trên cũng có chiều hướng gia tăng, với các thủ đoạn như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; bắt giữ người trái pháp luật… gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Trong các vụ án này, đối tượng thực hiện hầu hết đều là những kẻ có tiền án, tiền sự. Với số tiền được hưởng thường từ 30-50% tổng số tiền nợ, các đối tượng đòi nợ thuê sẵn sàng làm mọi thứ. Việc giải cứu của cơ quan Công an vì thế cũng mất rất nhiều công sức, bởi ngoài việc giải cứu an toàn cho các nạn nhân còn phải chứng minh, làm rõ vụ án, bắt giữ các đối tượng có liên quan.

Theo cand.com.vn