04:16 13/04/2018

Cảnh báo nắng nóng gay gắt ở khu vực Nam bộ

Trong những ngày gần đây, hiện tượng nắng nóng gay gắt đã xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh với nhiệt độ cao nhất trong ngày, duy trì trong khoảng từ 36-38 độ. Bên cạnh đó độ ẩm tương đối thấp gây cảm giác khó chịu cho người dân.

Theo Đài Khí tượng Thủy Văn khu vực Nam Bộ, tình trạng nắng nóng gay gắt tại khu vực Nam bộ sẽ kéo dài đến hết ngày 15/4. Riêng Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ lên đến 38,1 độ. 


Còn ở khu vực miền Tây trời cũng có nắng mạnh và một số tỉnh có nắng nóng như Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang với nhiệt độ cao nhất đạt ngưỡng 35-36 độ. 


Tại TP Hồ Chí Minh, nắng nóng gay gắt xuất hiện vào khoảng tầm 11 giờ đến 15 giờ chiều, có những thời điểm nhiệt độ lên đến 38 độ.

Mẹ và con bịt kín mít để chống chọi với nắng gay nóng gay gắt. Ảnh: Mạnh Linh

Theo dự báo, trong những ngày sắp tới, vùng áp thấp nóng phía Tây còn tồn tại và có khả năng sẽ bị nén dần xuống phía Nam, trên cao áp cao cận nhiệt đới có vị trí và cường độ ít thay đổi và vẫn hoạt động mạnh nên thời tiết nắng nóng gay gắt vẫn còn xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và nắng nóng cũng xuất hiện ở một vài tỉnh miền Tây. 


Nhiệt độ cao nhất ở miền Đông vẫn duy trì trong khoảng từ 35-38 độ, còn ở miền Tây phổ biến từ 34-36 độ. Từ ngày 16/4, tình trạng nắng nóng ở khu vực Nam Bộ sẽ bắt đầu thu hẹp dần cả về phạm vi và cường độ.

Dù đã được che đậy kín mít nhưng vẫn có cảm giác da bị bỏng rát khi ở ngoài trời. Ảnh : Mạnh Linh

Qua ghi nhận, nhiều người ra ngoài đường vào thời điểm này luôn phải bao trùm kín từ đầu xuống chân nhưng vẫn cảm thấy nóng rát. Nhiều quán cà phê và quán ăn giữ xe ngoài trời còn trang bị thêm một xô nước lau xe cho khách để giảm sức nóng ở yên xe.


Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút…có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.


Để phòng ngừa, người dân nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Nếu lao động ngoài trời nắng cần phải đội nón hoặc mũ rộng vành. Không để da, nhất là đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng.


 Tránh làm việc quá lâu ngoài trời nắng, nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ sau một khoảng thời gian lại vào chỗ râm mát nghỉ giải lao. Nên đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân...) có độ dày thích hợp khi ra đường. Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ vitamin D từ trong ánh mặt trời.


Các bác sĩ khuyến cáo thêm, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong mùa nắng nóng là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước hơn để bù nước cho cơ thể; thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống chín để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa. Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không thay đổi nhiệt độ đột ngột...


Đan Phương/Báo Tin tức