03:12 13/03/2018

Cảnh báo nắng nóng gay gắt kéo dài tại Nam Bộ

Ngày 13/3, theo bản tin cảnh báo nắng nóng của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, có thể lên tới 37 độ C.

Nhiệt độ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, có thể lên tới 37 độ C. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, nắng nóng có xu hướng mở rộng hơn trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến ngày 14/3 và có xu hướng lan dần xuống các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây với nền nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35 - 38 độ C. Trong đó, nền nhiệt độ cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể lên tới 35 – 37 độ C, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước có thể lên tới 35 – 38 độ C.

Nắng nóng đạt cao điểm trong ngày từ 12 giờ trưa đến 16 giờ, với sức nóng thực tế tại các khu vực công cộng, trên đường phố còn cao hơn nhiều so với mức dự báo do tác động từ hoạt động giao thông, khói xe, từ các công trình bê tông, mặt đường tỏa nhiệt.

Nguyên nhân của đợt nắng nóng này là do áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu và di chuyển ra phía Đông trong khi áp cao cận nhiệt đới có xu hướng lấn Tây trở lại, hạ trục về phía Nam vắt qua khu vực Nam Bộ trong những ngày tới.

Dự báo về mùa nắng nóng 2018, ông Vũ Quang Đẩu, Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Từ sau ngày 21/3 cường độ bức xạ sẽ tăng, nắng nóng càng gay gắt hơn và thời gian nắng nóng trong ngày sẽ kéo dài hơn. Nền nhiệt trung bình trên toàn khu vực Nam Bộ từ tháng 3 đến tháng 5 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nền nhiệt cùng kỳ từ 0,5 đến 1 độ C. Mùa nắng nóng năm 2018 dự báo sẽ nóng rát vì hiện tượng La Nina chấm dứt hoàn toàn cũng như tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra.

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến người lớn tuổi dễ mắc bệnh viêm họng, viêm xoang và viêm thanh quản do trong môi trường nắng nóng, vi trùng, vi khuẩn phát triển mạnh, bên cạnh đó nắng nóng làm cho niêm mạc đường hô hấp suy yếu, giảm miễn dịch. Trong khi đó trẻ em dễ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bệnh về hô hấp…

Vì vậy, trong mùa nắng nóng mọi người cần chú ý ăn uống đảm bảo vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là với trẻ nhỏ, không nên đi ngoài trời nắng gay gắt rồi vào phòng lạnh ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh. Có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, bảo quản thức ăn đúng cách.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)