Sáng 22/7, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, ngay khi có dự báo mưa Công ty TNHH Một Thành viên Thoát nước Hà Nội đã kích hoạt ứng trực tại các điểm trọng yếu.
Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Các trạm bơm như: Yên Sở (vận hành 5/20 bơm), Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và các hầm chui được vận hành sớm nhằm hạ mực nước hệ thống, các cửa điều tiết A, B, C, thông Kênh O E mở. Các cửa phai vận hành đúng quy trình, bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực thấp trũng.
Qua công tác kiểm tra của công ty, đến thời điểm 11 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội không xuất hiện điểm úng ngập, đọng nước.
Tuy nhiên, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ, ngày 22/7, khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố Hà Nội gió sẽ mạnh dần lên cấp 4 - 5, giật cấp 6; Khu vực phía Nam và Trung tâm thành phố gió mạnh dần cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7- 8.
Dự báo gió mạnh sẽ làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão đối với khu vực phía Nam và trung tâm thành phố cấp 3.
Cùng với đó, từ ngày 22/7 đến ngày 23/7, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa khu vực phía Bắc thành phố phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 100 mm; Trung tâm thành phố, khu vực phía Tây và phía Nam thành phố phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 180 mm.
Dự báo mưa lớn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường và giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông. Trong cơn dông có thể kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể gây sạt lở đất ở khu vực vùng núi, gây ngập úng khu đô thị và những vùng trũng thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Trước tình hình đó, các lực lượng, phương tiện của Công ty TNHH Một Thành viên Thoát nước Hà Nội đã và đang sẵn sàng ứng trực, kiểm tra thanh thải đảm bảo dòng chảy thông thoáng, vận hành các trạm bơm đầu mối, cửa phai hồ điều hòa theo quy trình để hạ mực nước hệ thống chủ động khắc phục ảnh hưởng của bão số 3.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Thoát nước Hà Nội, đến thời điểm 6 giờ 30 phút ngày 22/7, Công ty tiếp tục bố trí công nhân, máy móc, phương tiện tổ chức thu dọn vệ sinh các miệng thu, các tấm chắn vật cản, trục vớt cây gãy đỗ trên kênh mương hồ, các trạm bơm, trạm xử lý đảm bảo công tác thoát nước; tổ chức triển khai lực lượng ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý.
Đồng thời, công ty cũng tập trung vận hành các trạm bơm đầu mối để tiêu thoát nước trên hệ thống và giữ mực nước đệm trên sông, hồ ở ngưỡng thấp nhất, sẵn sàng tiếp nhận và vận chuyển nước khi tiếp tục có mưa; vận hành hợp lý các cửa phai của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Linh Đàm… để hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy định.
Ở góc độ địa phương, nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân. Điển hình như tại xã Đa Phúc, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đa Phúc đã yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các chi, đảng bộ trực thuộc tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ với tỉnh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất.
Bên cạnh đó, UBND xã Đa Phúc đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, trưởng các thôn tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo lĩnh vực, địa bàn được giao; kịp thời phối hợp, ứng phó, khắc phục khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo ông Tống Giang Phúc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đa Phúc, Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng đã yêu cầu UBND xã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, trưởng các thôn tổ chức lực lượng ứng trực, canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn, cứu hộ; đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là các ngầm, tràn, đường giao thông ngập sâu, nước chảy xiết, các tuyến đường bị sự cố, sạt lở; đảm bảo giao thông thông suốt. Sẵn sàng phương án tiêu nước, chống úng bảo vệ sản xuất trên địa bàn.
Đặc biệt, các ngành, đơn vị liên quan, trưởng các thôn kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông; hạn chế tối đa người dân ra đường khi không thực sự cần thiết; tạm dừng mọi hoạt động trên sông, đồng ruộng, công trình xây dựng, trong thời gian bão đổ bộ; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về ứng phó cơn bão số 3, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, tại các phường Phú Thượng, Đông Ngạc, Lĩnh Nam..., người dân cũng đang thu dọn cây, gia cố các khu vực để chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Điển hình như, tại chung cư Sunshine thuộc phường Phú Thượng, Ban Quản lý đã chủ động cập nhật, nắm bắt kịp thời về tình hình thời tiết diễn biến của cơn bão số 3, thông báo đến cư dân về mức độ nguy hiểm của các hiện tượng thời tiết cực đoan; có các biện pháp phòng chống để sẵn sàng chuẩn bị ứng phó; huy động sự vào cuộc của Ban Quản lý, Ban Quản trị và cư dân cùng tham gia công tác phòng, chống bão số 3.