11:15 10/11/2020

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dịu đi nếu ông Biden là tổng thống?

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ dễ dự đoán hơn sau chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, song có lẽ điều đó mới chỉ dừng ở mức dự báo, không ai có thể loại trừ viễn cảnh ông Biden trở thành tổng thống và tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden (phải) khi đó là Phó Tổng thống đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Căn cứ không quân Andrews vào tháng 9/2015. Ảnh: AP 

Cáo buộc những hoạt động kinh doanh thiếu công bằng của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã tăng cường áp lực lên Bắc Kinh bằng các biện pháp thường được công bố đột ngột qua các dòng tin nhắn trên Twitter. Cuối cùng, chính quyền của ông đã đánh thuế lên lượng hàng hoá trị giá hàng trăm tỉ USD của Trung Quốc và áp đặt trừng phạt lên người khổng lồ viễn thông Huawei của quốc gia châu Á này.

Nhận định về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng: “Những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ không thay đổi theo sự thay đổi của chính quyền”. “Áp lực đang đè lên cả hai bên trong việc duy trì thái độ diều hâu, đơn giản là vì chính trị trong nước không cho phép khuất phục quan điểm cứng rắn này trước người khác”, ông Gilligan nhận xét, ám chỉ đến lập trường cứng rắn hơn của hai nước nhằm vào nhau. 

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký thoả thuận đình chiến thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020, giúp giảm bớt căng thẳng dồn dập trong 2 năm qua tuy nhiên cuộc thương lượng cho một thoả thuận giai đoạn 2 vẫn chưa bắt đầu. Hiện chưa rõ chính quyền mới của ông Biden sẽ xử lý ra sao vấn đề thuế quan, một vấn đề đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp cả hai nước sau khi Trung Quốc tung đòn đáp trả.

Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng: “Quá trình chuyển giao quyền lực còn kéo dài và một đại dịch cần được kiểm soát. Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến tiếp tục đình chiến thương mại, nhưng còn quá sớm để biết liệu thuế quan có được dỡ bỏ, cũng như những hành động chống Huawei và các công ty khác có được huỷ bỏ hay không”.

Kình địch Mỹ - Trung vẫn tồn tại

Một trong số ít vấn đề mà cả đảng Cộng hoà và Dân chủ Mỹ đều nhất trí là một chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng chính quyền mới có thể sẽ phối hợp với các đồng minh của Mỹ hiệu quả hơn thời Tổng thống Trump để theo đuổi một chiến lược gắn kết hơn nhằm chống lại Trung Quốc. 

Trong bài phát biểu đầu tiên sau chiến thắng, Biden cho biết ông sẽ tập trung vào việc kiểm soát đại dịch COVID-19, nhưng không đề cập đến Trung Quốc. Tuy nhiên trước đó, ông từng khẳng định “nước Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc” trong một bài báo hồi đầu năm có tiêu đề “Tại sao Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa: Cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ thời hậu Trump”.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden từng khẳng định Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: AP

“Nếu Trung Quốc vẫn đi theo cách này, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp để mang lại cho các doanh nghiệp nhà nước của mình một lợi thế không công bằng - và thúc đẩy việc thống trị các công nghệ và ngành công nghiệp trong tương lai”, ông Biden khẳng định trong bài báo.

Giới phân tích nhận định sẽ rất khó để ông Biden tìm ra “nút cài đặt lại” quan hệ hai nước. Ông đã viết: “Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm đối đầu” với Trung Quốc. 

Cơ hội cộng tác

Tuy nhiên lúc này cả hai bờ Thái Bình Dương đang hy vọng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ dễ đoán định hơn, mang lại nhiều cơ hội cho các hợp tác kinh doanh.

Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại CNBC: "Ông Biden và Obama, họ hiểu những điều cơ bản của việc tổ chức một cuộc đối thoại".

Ông Xu lưu ý việc sử dụng thuế quan, lệnh trừng phạt và các chiến thuật "thô thiển" khác để giải quyết các vấn đề về thực tiễn thương mại là không công bằng. Thay vào đó, quan chức này cho biết Trung Quốc có thể giúp Mỹ phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác thương mại quốc tế. Ông khẳng định Bắc Kinh đang xúc tiến giải quyết các vấn đề như tái cơ cấu các công ty nhà nước, điều mà Mỹ thúc đẩy trong các cuộc đàm phán thương mại.

Thu Hằng/Báo Tin tức