12:11 08/12/2010

Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên: Bài toán tìm lời giải?

Bầu không khí nóng trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày cùng với những tuyên bố và hành động cứng rắn của các bên liên quan, trong khi những nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa tìm được lời giải cho điểm nóng này.

Bầu không khí nóng trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày cùng với những tuyên bố và hành động cứng rắn của các bên liên quan, trong khi những nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa tìm được lời giải cho điểm nóng này.

Ngày 7/12, khi cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn của Hàn Quốc bước sang ngày thứ hai, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố sẽ biến 5 hòn đảo của Hàn Quốc nằm dọc biên giới trên biển với CHDCND Triều Tiên thành các "pháo đài quân sự" để đối phó với những cuộc tấn công của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (giữa) cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan sau cuộc gặp ở Oasinhtơn. Ảnh: AFP-TTXVN


Hãng tin AP (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Xơun cho biết, Tổng thống Lee đã đề nghị nâng cấp các quy định về sự can dự của quân đội đồng thời tăng cường lực lượng quân sự đóng tại các hòn đảo nằm dọc biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên "để quân đội Hàn Quốc có thể hành động mạnh mẽ trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên". Đề nghị này của Tổng thống Lee cũng nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích trong dư luận Hàn Quốc rằng chính phủ nước này đã phản ứng "quá yếu và chậm" trong vụ đấu pháo giữa hai miền hôm 23/11.

Trước đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cũng đã tuyên bố, nước này sẽ sử dụng quyền phòng vệ để đối phó với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích. Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Kim Kwan-jin cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang thảo luận biện pháp tiếp theo nhằm sửa đổi Quy tắc giao chiến cũng như xem xét vấn đề pháp lý liên quan đến việc này.

Trong khi đó, Tân Hoa xã cho biết, phía Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng trong quan hệ với Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên ra ngày 7/12 đã đăng bài xã luận, trong đó nhấn mạnh, hai miền Triều Tiên cần tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau thông qua các cuộc đối thoại và đàm phán. Hai nước cũng nên hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực chấm dứt mối quan hệ thù địch và đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên nên giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ liên Triều và thực hiện việc thống nhất bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán.

Tờ Rodong Sinmun khẳng định, Triều Tiên kiên định việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ liên Triều theo 3 nguyên tắc: Hòa hợp, hợp tác và tái thống nhất.

Cùng ngày, cuộc gặp tại Oasinhtơn (Mỹ) của ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kết thúc mà không đạt được kết quả đáng kể nào. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Sung-hwan chỉ đạt được một cam kết chung chung: Nhất trí tăng cường điều phối và tham vấn về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bắn pháo giữa hai miền Triều Tiên hôm 23/11, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Đình chiến năm 1953 nhằm duy trì hòa bình và ổn định không chỉ ở Đông Bắc Á mà còn ở cả khu vực rộng lớn hơn.

Ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên xây dựng một cơ sở làm giàu urani là vi phạm các Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cam kết của Triều Tiên theo thỏa thuận chung hồi tháng 9/2005 của đàm phán sáu bên. Các ngoại trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Nga, đặc biệt trong khuôn khổ đàm phán sáu bên, để giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc đã không được mời tham gia cuộc thảo luận lần này dù cả hai nước đều là thành viên trên bàn đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (quá trình đàm phán đã bị gián đoạn hồi năm ngoái do sự đối đầu giữa Bình Nhưỡng và Oasinhtơn). Đây cũng là những nước có quan điểm: Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần được thực hiện bằng con đường đàm phán và ngoại giao. Giới phân tích đánh giá việc loại trừ Nga và Trung Quốc khỏi quá trình giải quyết vấn đề liên Triều là một bước đi thiển cận và cuộc gặp ba bên ở Oasinhtơn chỉ là để trao đổi ý kiến.

Minh Hải (Tổng hợp)