06:10 18/06/2019

Căng thẳng ở vùng Vịnh khiến Mỹ-Iran rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mới

Cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh liên quan tới vụ hai tàu chờ dầu bị tấn công trên Vịnh Oman đã khiến quan hệ Iran và Mỹ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mới, thậm chí có thể bùng phát xung đột quân sự.

Các bên cáo buộc lẫn nhau

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng Iran tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ hai tàu chở dầu bị tấn công xảy ra ngày 13/6 trên Vịnh Oman. Một tàu tên là Front Altair của công ty vận tải Na Uy, đang được Công ty dầu Đài Loan CPC Corporation thuê để chở naphtha (một chế phẩm dầu) từ cảng Ruwais ở Các tiểu vương quốc Arab Thống (UAE) nhất hướng tới thành phố Cao Hùng thuộc Đài Loan (Trung Quốc). Chiếc tàu còn lại là Kokuka Courageous, treo cờ Panama và đang chở methanol từ cảng Al Jubail ở Saudi Arabia tới Singapore. Cả hai tàu đều bốc cháy nhưng các thủy thủ được sơ tán an toàn.

Ngay sau vụ việc, Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo đầu tiên khẳng định Iran phải chịu trách nhiệm về vụ hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Thông tin đó là một đoạn video mờ, hình ảnh nhiễu mà Lầu Năm Góc công bố và cho rằng đoạn video ghi hình một tàu nhỏ của Iran chở các thủy thủ đang gỡ quả mìn chưa phát nổ vẫn gắn vào thân một con tàu chở dầu nói trên.

Mỹ tung video tố cáo Iran là thủ phạm tấn công tàu chở dầu (nguồn Guardian):

Với video này, Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên kênh Fox News ngày 14/6 và khẳng định: “Iran đã làm điều đó”, đồng thời coi Iran là một quốc gia khủng bố. Nhà lãnh đạo Mỹ chưa nói ông định làm gì trong tình hình hiện nay nhưng đưa ra khả năng trừng phạt rất cứng rắn, ví dụ như bóp nghẹt con đường xuất khẩu dầu của Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói với các phóng viên: “Mỹ đánh giá Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về vụ tấn công”.

Không chỉ đơn phương cáo buộc Iran, Mỹ còn vận động nhiều quốc gia khác chống lại Tehran. Theo tờ Times of Israel, ông Pompeo đã tiếp cận nhiều lãnh đạo nước ngoài để cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công tàu chở dầu tại tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở Trung Đông và coi đây là vấn đề lớn với thế giới, đặc biệt là các nước châu Á phụ thuộc vào nguồn dầu từ khu vực này. Trong một loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 16/6, ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ đã liên hệ với nhiều lãnh đạo quốc tế sau vụ việc trên Vịnh Oman. Ông nói: “Tôi đã gọi nhiều cuộc điện thoại hôm qua. Tôi sẽ gọi thêm nhiều cuộc nữa hôm nay. Thế giới cần đoàn kết”.

Về phần mình, Iran bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã viết trên Twitter: “Việc Mỹ ngay lập tức nhảy lên cáo buộc Iran mà không có bằng chứng thực tế hay căn cứ gián tiếp chỉ cho thấy một điều rất rõ ràng là Nhóm B đang tiến tới thực hiện Kế hoạch B: phá hoại ngoại giao và che đậy hành vi khủng bố kinh tế chống Iran”.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Zarif bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhóm B là từ mà ông Zarif thường dùng để chỉ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Thủ tướng Israel, Saudi Arabia và UAE – những đối tượng có đường lối cứng rắn với Iran.

Trước đó, ông Zarif cho rằng có âm mưu trong vụ việc vì một trong hai tàu thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản bị tấn công vào đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang gặp Lãnh đạo tối cao Iran Khamenei. 

Sau vụ bốn tàu chở dầu bị tấn công hồi tháng 5, Iran cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Một quan chức Iran khẳng định: “Ai đó đang tìm cách phá hoại quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế”.

Khả năng xung đột quân sự

Chú thích ảnh
Tàu ngầm của Hải quân Iran tham gia huấn luyện tại Vịnh Oman ngày 22/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai quan chức Mỹ tiết lộ với CNN rằng Tổng thống Trump trong tuần này sẽ họp với các phụ tá an ninh mà ông tin cậy để bàn về vụ việc trên Vịnh Oman. 

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết cuộc họp có thể diễn ra vào 21/6. Ông nói: “Khi nhìn vào tình hình liên quan tới một tàu Na Uy, một tàu Nhật Bản, Saudi Arabia, UAE, 15% lượng dầu mỏ thương mại của thế giới được chuyển qua Eo biển Hormuz, chúng tôi rõ ràng cần có kế hoạch khẩn cấp nếu tình hình xấu đi, nhưng chúng tôi cũng cần nhiều ủng hộ trong vụ việc mang tính quốc tế này”.

Thông tin về cuộc họp nói trên xuất hiện sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo ông đang cân nhắc can thiệp quân sự vào khu vực. Cảnh báo của ông Pompeo khiến dư luận đồn đoán căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang và có thể biến thành xung đột. 

Ngày 17/6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran. Dù ông Pompeo không loại trừ khả năng nào, kể cả biện pháp quân sự, nhưng ông cũng nhấn mạnh Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran.

Theo nhận định của đài BBC, nếu bị tấn công, gần như chắc chắn Iran có thể phát động một cuộc chiến tranh “lai”, tức là cả chiến tranh trực tiếp và chiến tranh thông qua các lực lượng ủy nhiệm.

Trong cuộc chiến này, Iran sẽ thực hiện các vụ tấn công lẻ tẻ và trên diện rộng nhằm vào tàu thuyền cũng như các mục tiêu khác. Trong tình hình đó, giá dầu sẽ tăng, phí bảo hiểm với các tàu chở dầu cũng tăng và có thể kích hoạt phản ứng trừng phạt.

Đây là một viễn cảnh khó chấp nhận với các bên liên quan khi tình hình leo thang nguy hiểm. Không ai thực sự tin rằng cả Mỹ và Iran muốn xung đột toàn diện bùng phát.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman. Ảnh: AFP/TTXVN

Với người Mỹ, cho dù có sức mạnh quân sự lớn nhưng nếu chiến tranh với Iran trên không hay trên biển cũng sẽ làm nảy sinh hàng loạt nguy hiểm. Bản thân Tổng thống Trump tới nay cũng ngần ngại thực hiện hành động quân sự ở nước ngoài. Điều đáng lo là trong tình hình các bên không tin tưởng lẫn nhau như hiện nay, những tiếng nói diều hâu trong Chính quyền Mỹ có cơ sở để thúc đẩy trừng phạt Iran.

Cả Iran và Mỹ đều tỏ dấu hiệu cứng rắn nhưng có lẽ hai bên không hiểu được ý đồ của đối phương trong các thông điệp. Tehran có thể coi việc Mỹ tăng cường lực lượng trong khu vực là một mối đe dọa và nỗ lực bắt nạt Iran. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng có thể có những động thái mà Washington và đồng minh chắc chắn sẽ phản ứng bằng trừng phạt. Những dấu hiệu này nếu xảy ra sẽ là “công thức” của một cuộc xung đột. 

Ông Robert Malley, chuyên gia về Trung Đông và là Giám đốc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói: “Tôi thực sự cho rằng Tổng thống Trump hy vọng cách tiếp cận gây tối đa sức ép sẽ dẫn tới đàm phán, song chính sách mà ông ấy đã thông qua có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh không mong muốn”.

Tổng thống Trump hy vọng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán với vị thế mặc cả yếu hơn. Tuy nhiên, chính quyền của ông chia rẽ về biện pháp này. Các chuyên gia cũng có quan điểm trái chiều về việc liệu chính sách gây sức ép có tác dụng giảm căng thẳng với Iran hay không. Chia rẽ ngày càng lớn kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, tái áp đặt trừng phạt Tehran và mới đây là vụ tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman.

Trita Parsi, tác giả cuốn sách “Losing an Enemy” cho rằng Tổng thống Trump không có mấy hứng thú với hành động quân sự nhưng bị Cố vấn Bolton và Ngoại trưởng Pompeo gây ảnh hưởng, khiến cho ông phải hành động. 

“Lò lửa” Trung Đông đang nóng lên và nguy cơ xung đột ngày càng hiện hữu. Để tránh leo thang thành đối đầu quân sự, các bên cần phải kiềm chế và tỉnh táo. Ít nhất, Mỹ và Iran phải chờ tới khi có kết quả điều tra khách quan mới có thể tính tới động thái tiếp theo. 

Thùy Dương/Báo Tin tức