10:18 05/10/2020

Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo dữ liệu hàng hải của nhà cung cấp Refinitiv Eikon, ngày 5/10, tàu khoan thăm dò Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khu vực đang hoạt động ở phía Tây Nam CH Cyprus và đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được cho là có thể giúp xoa dịu căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải. 

Chú thích ảnh
Tàu khoan Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz ra khơi ở Vịnh Izmit, trên đường đến Biển Địa Trung Hải, ngoài khơi cảng Dilovasi, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20/6/2019. Ảnh: Reuters

Tàu Yavuz hoạt động lần đầu ở phía Đông Cyprus vào tháng 7/2019. Thổ Nhĩ Kỳ đã gia hạn các hoạt động của tàu này tại phía Tây Nam của hòn đảo đến ngày 12/10 trong một động thái mà Hy Lạp, quốc gia cũng có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, cho là mang tính khiêu khích.

Tuy nhiên, dữ liệu theo dõi con tàu cho thấy Yavuz đã rời khu vực phía Tây Nam Cyprus hôm 4/10 và đang ở gần cảng Tasucu ở tỉnh Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tàu nghiên cứu địa chấn Barbaros Hayrettin Pasa của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn ở ngoài khơi Đông Nam Cyprus. Hoạt động của tàu này được gia hạn đến ngày 18/10 tới.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt tại Địa Trung Hải là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Cyprus và Hy Lạp với quốc gia này trong thời gian gần đây. Hôm 2/10 vừa qua, lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều nhất trí với thông điệp cứng rắn, trong đó yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại khu vực tranh chấp với Hy Lạp và CH Cyprus ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời hối thúc Ankara nối lại các cuộc đàm phán với Athens và Nicosia vốn đã bị đình trệ kể từ năm 2016.

Nguyễn Hằng (TTXVN)