04:18 06/04/2018

Căng thẳng Nga - Anh chưa có hồi kết

Chiến dịch tập thể của Anh cùng các nước đồng minh châu Âu và phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Salisbury (Anh) hôm 4/3 vừa qua vẫn chưa dừng lại.

Chủ đề này đã được đưa ra thảo luận tại các cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và  Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Mặc dù các bên liên quan vẫn tranh cãi với những lời lẽ gay gắt, song việc Anh chưa thể đưa ra bằng chứng khẳng định sự liên quan của chính quyền Nga trong vụ việc này cũng khiến dư luận nhận thấy sự vội vã trong buộc tội, trong khi phía Nga càng củng cố quan điểm rằng có "một chiến dịch tập thể" nhằm hạ bệ uy tín của Moskva trên trường quốc tế.

Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal (trái) và con gái Yulia Skripal (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Chưa đầy một tháng kể từ khi Anh đưa ra cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, một chiến dịch “trục xuất ngoại giao tập thể” do London khởi xướng đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nước đồng minh. Hơn một nửa trong số 27 nước thành Liên minh châu Âu (EU) và một số đồng minh phương Tây, trong một động thái nhằm bày tỏ tình đoàn kết với nước Anh, đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga với lý do Moskva có thể liên quan đến vụ Skripal.

Đòn trừng phạt tập thể này được xem như “lời tuyên chiến” của phương Tây trong cuộc chiến ngoại  giao với Nga. Sự phản kháng bằng những biện pháp tương tự của Moskva đã đẩy quan hệ Nga - Anh nói riêng và Nga - phương Tây nói chung lên mức căng thẳng mới. Với cáo buộc các chính phủ phương Tây "mù quáng" theo chân London đối đầu với Moskva, khẳng định đây là hành động sai lầm, mang tính khiêu khích, Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

Cùng với việc đề nghị Đại sứ quán Anh và Mỹ tại Moskva gửi cho Bộ Ngoại giao Nga thông tin họ đã gửi cho các nước EU và Mỹ như là "bằng chứng" chứng minh sự liên quan của Nga vào vụ đầu độc ông Skripal và con gái, với tư cách là thành viên, Nga đã đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vào ngày 4/4 đồng thời yêu cầu tiến hành một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để các bên có thể đối thoại và tìm ra nguyên nhân chính thức, khép lại những căng thẳng xung quanh vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal mà các nước phương Tây cáo buộc Nga đứng sau vụ việc.

Trong bối cảnh kết quả điều tra cuối cùng chưa được công bố, Nga cũng chưa nhận được phản hồi từ OPCW đối với 13 câu hỏi liên quan đến sự tham gia của tổ chức này vào cuộc điều tra, Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng tại Porton Down thuộc Bộ Quốc phòng Anh, lại bất ngờ đưa ra kết luận rằng “không thể khẳng định loại chất độc trong vụ tấn công tại Salisbury có nguồn gốc từ Nga”. Tuyên bố trên đã đẩy sự việc sang chiều hướng mới, có vẻ không có lợi cho Anh, bởi nó hoàn toàn mâu thuẫn với những gì Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định trước đó, rằng các thông tin đưa ra là do phòng thí nghiệm Porton Down cung cấp cho chính phủ.

Cùng với tuyên bố này,  kết luật về việc sản xuất loại chất độc này rất phức tạp, chỉ có thể được thực hiện ở những quốc gia có điều kiện, đặc biệt về phương tiện và kỹ thuật, càng cho thấy những cáo buộc của London cho rằng chất độc thần kinh được sản xuất tại Nga là không thuyết phục. Đó là chưa kể hiện trên thế giới có khoảng 20 nước, trong đó có cả Anh và Mỹ, sở hữu công nghệ sản xuất ra các chất giống "Novichok" -  loại chất độc thần kinh đã được xác định sử dụng trong vụ đầu độc Skripal, việc xác định nguồn gốc của chất độc này là “tìm kim đáy bể”.

Một trong những yếu tố được coi là không ủng hộ Anh nữa là Công đảng đối lập tại nước này đã lên tiếng chỉ trích ngoại trưởng Anh Boris Johnson, cho rằng ông này đã "phóng đại"  khi đưa ra bằng chứng cáo buộc Nga. Thậm chí các nhân vật cốt cán trong Công Đảng còn cho rằng ông Johnson đã " đánh lừa dư luận Anh". 

Chưa hết, Công đảng còn đưa ra dẫn chứng là Ngoại trưởng Boris Johnson trong một cuộc trả lời phỏng vấn một đài truyền hinh Đức đã khẳng định " không nghi ngờ gì" Nga chính là nguồn gốc của chất độc thần kinh Novichok tìm thấy ở vụ việc nêu trên. Giới phân tích cho rằng “ngôn từ lỏng lẻo" cùng với hành động của ông Johnson xóa tuyên bố của mình trên twitter đã cho thấy Anh " tự làm mình tổn thương" và điều này càng khiến Nga nghi ngờ động cơ của Anh.

Mặc dù đã có những bằng chứng quay lưng lại với Anh liên quan đến vụ Skripal, song giới chuyên gia cho rằng các đồng minh phương Tây có thể vẫn ủng hộ quan điểm của London kết tội Moskva. Bởi lẽ đối với phương Tây, điều quan trọng không phải là tìm ra sự thật trong vụ Skripal mà là duy trì được sự đoàn kết chống Nga. 

Như Tổng thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố trong chuyến công du Canada ngày 5/4 khi đề cập việc tổ chức này trục xuất 7 nhà ngoại gia Nga rằng lý do chính không hẳn liên quan vụ Skripal mà là sự phản ứng đối với những can dự của Nga ở Đông Ukraine và Syria. Giới quan sát cho rằng vụ Skripal chỉ là "cái cớ" chứ hoàn toàn không phải là nguyên nhân chính khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi vào khủng hoảng. Điều này lý giải vì sao ngay cả khi không có bằng chứng Moskva liên quan đến vụ Skripal, EU hay Mỹ chưa một lần yêu cầu Anh có câu trả lời thỏa đáng, mà chỉ một mực gây sức ép với Nga. 

Việc hàng trăm nhà ngoại giao bị trục xuất hay những tranh cãi nảy lửa giữa Nga và Anh tại Hội đồng Bảo an cho thấy cho thấy cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây đang ở lằn ranh nguy hiểm, khiến nhiều người đã đặt câu hỏi liệu một cuộc "chiến tranh Lạnh" kiểu mới có thực sự xảy ra? Giới phân tích quốc tế cho rằng mối quan hệ Nga - phương Tây đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua có nguyên nhân sâu xa từ việc Nga đang gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề quốc tế, điều mà phương Tây không mong đợi. 

Tuy nhiên, các nước phương Tây cũng hiểu rằng chiến lược đối đầu như hiện nay sẽ không đem lại lợi ích cho bất kể bên nào,  thậm chí gây nguy hại cho sự ổn định chiến lược toàn cầu. Bởi nếu thiếu sự hợp tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, việc đối phó với những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống, như chủ nghĩa khủng bố - cực đoan, an ninh mạng, hay chạy đua vũ trang...  khó có thể đạt kết quả mong muốn. Đó là chưa kể tới những lợi ích kinh tế ràng buộc lẫn nhau.

Phương Hoa (TTXVN)