05:17 20/05/2019

Căng thẳng Mỹ - Iran: Liệu tấn công từ Iraq có khả thi?

Các lực lượng Mỹ tại Iraq đã được đặt vào tình trạng báo động cao do leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Mỹ đã điều ít nhất 7 tàu chiến, trong đó có hàng không mẫu hạn USS Abraham Lincoln, cùng các máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Vùng Vịnh để đề phòng một nguy cơ tấn công từ Iran. Trong khi đó, Tehran khẳng định Washington muốn tiến hành một cuộc “chiến tranh tâm lý”. Nhóm tàu tấn công của Mỹ đã đến vùng biển phía Bắc Biển Arab, neo đậu tại vị trí gần với Iran.  

Phải chăng điều này đồng nghĩa với việc Iraq có thể trở thành địa điểm để Quân đội Mỹ chuẩn bị cho một cuộc tấn công Iran? Liệu Chính phủ Iraq đã sẵn sàng chống lại sự mở rộng hiện diện quân sự của Washington vì lợi ích của nước láng giềng?

 

Chú thích ảnh
 Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: AP 

Ông Sabah Zangane, chuyên gia về quan hệ Iran – Arab kiêm cựu đặc phái viên Iran tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, trả lời phỏng vấn hãng Sputnik cho biết cấu trúc xã hội - chính trị của Iraq và bản chất mối quan hệ giữa chính phủ và nhân dân hai nước là những yếu tố khiến Baghdad sẽ không cho phép người Mỹ biến Iraq trở thành địa điểm để tấn công Iran. 

“Mối quan hệ Iran – Iraq sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ Iraq để tấn công quân sự nhằm vào Iran. Người dân Iraq sẽ phản ứng đối với các tuyên bố của Mỹ. Iran có quan hệ với Chính phủ Iraq và người dân nước này đứng về phía nước Cộng hòa Hồi giáo. Người Mỹ tự thấy lo sợ vì tình thế như vậy sẽ gây ra một thách thức nghiêm trọng đối với những hoạt động của họ”. ông Zangane nói. 

Theo chuyên gia Zangane, các cố vấn quân sự Iran vẫn đang ở Iraq để giúp binh sĩ nước này tiêu diệt các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Vì vậy, không lực lượng nào tại Iraq sẽ ủng hộ kế hoạch tấn công của Mỹ. 

Ông đánh giá các động thái điều quân và vũ khí mới nhất của Mỹ đến Vịnh Ba Tư là một hình thức chiến tranh tâm lý. Ông cũng tin rằng người Mỹ không cần phải phát động một cuộc đối đầu quân sự với Iran, bởi cuộc chiến này không đem lại lợi ích cho Mỹ vì hai yếu tố. 

Thứ nhất, vì chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống mới tại Mỹ, phát động một cuộc chiến tranh lúc này không khác gì “tự sát chính trị”, đồng thời gây thiệt hại lớn cho Mỹ và cộng đồng quốc tế. 

Thứ hai, Mỹ đã nhiều lần khẳng định rằng nước này đang chuyển hướng trung tâm chiến lược từ Trung Đông sang Viễn Đông. Vì lẽ đó, gây ra một xung đột khác ở Trung Đông, như tại Vịnh Ba Tư, sẽ đi ngược lại với chiến lược trên, cũng như cho phép các đối thủ của Mỹ tận dụng cuộc chiến tranh mới để đạt được mục tiêu. Đó là những thứ mà Washington sẽ không muốn mạo hiểm đánh đổi. Chưa kể, dư luận tại Mỹ sẽ không chấp nhập nước này sa lầy trong một cuộc chiến tranh nữa, sau những gì diễn ra ở Iraq và Afghanistan.

Những ngày qua, Nhà Trắng đã phát đi nhiều tín hiệu trái ngược, trong bối cảnh truyền thông Mỹ đưa tin nội các của Tổng thống Trump đang bất đồng về cách thức xử lí vấn đề Iran. Trên trang Twitter cá nhân ngày 19/5, Tổng thống Trump viết: "Nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran". Ông cảnh báo Tehran "đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa". 

Hiện Washington đã yêu cầu những nhân viên ngoại giao không làm nhiệm vụ cấp thiết rời khỏi Iraq, với lí do quan ngại mối đe dọa của các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tại đây.

Về phía mình, Iran cho rằng các động thái của Mỹ chỉ là "tâm lý chiến" và là "trò chính trị". Hôm 18/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarrif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Tehran phản đối chiến tranh, dù cho rằng không quốc gia nào "ảo tưởng" có thể đối đầu với nước Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực.

Hoàng Trang/Báo Tin tức