01:20 06/01/2016

Căng thẳng Iran-Saudi Arabia có thể ảnh hưởng hòa đàm Syria

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 6/1 cảnh báo căng thẳng ngoại giao giữa Tehran và Riyadh sẽ ảnh hưởng tới cuộc hòa đàm về Syria, song khẳng định chính quyền Tehran vẫn giữ cam kết đối với tiến trình này.

Sinh viên Iraq tham gia biểu tình tại thủ đô Baghdad ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran dẫn lời ông Abdollahian tuyên bố: “Quyết định sai lầm của Saudi Arabia sẽ ảnh hưởng tới các cuộc hòa đàm về Syria tại Vienna (Áo) và New York (Mỹ), tuy nhiên Tehran sẽ vẫn giữ cam kết của mình”. Trước đó, phía Saudi Arabia khẳng định tranh cãi ngoại giao trên sẽ không ảnh hưởng tới các nỗ lực giải quyết xung đột tại Syria và Yemen, vì Riyadh vẫn giữ cam kết của mình và sẽ tham gia hội nghị về Syria cuối tháng này.

Quan hệ giữa Riyadh và Tehran căng thẳng sau khi Saudi Arabia ngày 2/1 xử tử 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số. Tại Iran đã xảy ra một loạt vụ tấn công đốt phá nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia. Phản ứng trước các vụ tấn công này, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.

Ngày 5/1, Kuwait đã quyết định triệu đại sứ của mình từ Iran về nước nhằm phản đối các vụ tấn công trên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Kuwait khẳng định đây là hành động "vi phạm trắng trợn các công ước quốc tế, và vi phạm cam kết của chính Iran về việc đảm bảo an ninh và an toàn cho các phái bộ ngoại giao trên lãnh thổ nước mình". Trước Kuwait, Bahrain và Sudan đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm cấp quan hệ với Tehran.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Oman ra tuyên bố lên án hành động tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran là “không thể chấp nhận”, song cho biết sẽ không hạn chế mối quan hệ với Tehran như một số quốc gia vùng Vịnh khác.

Bộ trên nhấn mạnh cần tìm quy định mới cấm mọi hình thức can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Oman vốn là đồng minh của Iran nhưng cũng là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Saudi Arabia đứng đầu. Truyền thông Iran đưa tin Ngoại trưởng Oman sẽ có chuyến thăm Tehran trong ngày 6/1.

Cùng ngày 5/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho rằng việc Saudi Arabia tử hình 47 bị cáo khủng bố nói trên là "vấn đề pháp lý nội bộ" của vương quốc này. Đây là phản ứng đầu tiên của ông Erdogan về tranh cãi ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia.

Trong một phát biểu mới nhất ngày 5/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh Iran luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, kể cả Saudi Arabia. Theo ông, cách tốt nhất để giải quyết tranh cãi là thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị. Tổng thống Rouhani cũng cho rằng tình hình nghiêm trọng hiện nay trong khu vực đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 6/1, Bộ Nội vụ Bahrain thông báo đã bắt giữ một "nhóm khủng bố" có liên hệ với Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah âm mưu tấn công Bahrain.

TTXVN/Tin Tức