11:10 26/11/2012

Căng thẳng cuộc giải cứu con tin người Do Thái - Kỳ 2: Phương án cứu mạng

Với vụ không tặc này, khi nhóm khủng bố đưa ra các yêu sách của chúng, nội các Ixraen phải chịu rất nhiều áp lực từ phía các gia đình có người thân bị bắt làm con tin.

Với vụ không tặc này, khi nhóm khủng bố đưa ra các yêu sách của chúng, nội các Ixraen phải chịu rất nhiều áp lực từ phía các gia đình có người thân bị bắt làm con tin. Họ muốn Ixraen ngay lập tức thả những tên khủng bố ra để đổi lấy tính mạng của người thân. Tuy nhiên, chính quyền Ixraen vẫn chưa quyết định chọn giải pháp nào - tiến hành giải cứu bằng chiến dịch quân sự hay chấp nhận yêu sách của bọn khủng bố - trong khi thời gian cho họ suy nghĩ, đắn đo không còn nhiều.


 

 

Chiếc C-130 chở đội đặc nhiệm đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Entebbe.

 

Sau khi đưa ra yêu sách cho Ixraen, những kẻ khủng bố bắt đầu thu hộ chiếu và các giấy tờ của các con tin. Chúng chia hành khách làm hai nhóm, một nhóm hành khách người Ixraen, Do Thái và một nhóm hành khách mang các quốc tịch khác. Chiều thứ tư, ngày 30/6/1976, bọn chúng thả 47 con tin, chủ yếu là người Pháp. Cơ trưởng Bacos từ chối được trả tự do chừng nào mà bất kỳ hành khách nào trên chuyến bay của ông vẫn còn bị giam giữ. Trước hành động này của ông, các thành viên khác của phi hành đoàn cũng có động thái tương tự. Đêm hôm đó, các đặc vụ Ixraen đến gặp các con tin mới trở về Pháp và thu thập thông tin về tình hình ở Entebbe.

 

Thêm 101 con tin nữa được trả tự do vào sáng thứ năm. Số con tin còn lại chỉ là 95 hành khách Ixraen và người theo đạo Do Thái cùng các thành viên phi hành đoàn.


 

 

Ảnh chụp từ trên không quang cảnh thành phố Entebbe và sân bay quốc tế Entebbe.

Giải pháp thực hiện chiến dịch giải cứu bằng quân sự sau đó đã được Ixraen tính đến. Các lực lượng quân đội Ixraen có thể tiến hành một cuộc giải cứu thành công trong trường hợp họ hạ cánh và bất ngờ chiếm được nhà ga cũ. Lực lượng giải cứu cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nếu họ bị phát hiện trước khi đến được nhà ga. Khi đó, các con tin sẽ khó có thể được an toàn tính mạng.


Thủ tướng Yitzhak Rabin, người đã từng nắm giữ chức vụ Tham mưu trưởng không quân Ixraen trong cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, không muốn cho phép tiến hành một chiến dịch quân sự để giải cứu con tin. Tham mưu trưởng của ông, Trung tướng Mordechai Gur, cũng có quan điểm tương tự. Người chủ trương ủng hộ biện pháp quân sự là Bộ trưởng Quốc phòng Shimon Peres. Ông không phải là quân nhân nhưng leo lên được vị trí này sau khi đã trải qua các nấc thang quyền lực trong chính phủ. Thiếu tướng Benny Peled, Tư lệnh lượng không quân Ixraen, nhất trí với Peres về hành động quân sự.




Bản đồ kế hoạch giải cứu con tin.

Khi các kế hoạch giải cứu vẫn đang được nội các Ixraen tiếp tục cân nhắc, các lực lượng vũ trang đề xuất một vài sáng kiến, bao gồm cả việc nhảy dù xuống hồ Victoria, ngay sát với sân bay Entebbe và lực lượng đột kích sẽ lên bờ bằng xuồng cao su. Tất nhiên, không quân Ixraen sẽ là lực lượng không thể thiếu trong chiến dịch. Các máy bay C-130 Hercules đang được sử dụng trong quân đội Ixraen có thể bay đến Entebbe mà không có bất kỳ khó khăn nào. Khi Ixraen đã duy trì được sự hiện diện của số lượng lớn binh sĩ ở Uganđa, không quân nước này sẽ sử dụng các máy bay C-130 để tiếp tế.


Ngoài việc phải giành được lợi thế bất ngờ, còn có một khó khăn khác nổi lên; đó là việc tiếp nhiên liệu. Sau khi hạ cánh, các máy bay sẽ chỉ còn đủ nhiên liệu để bay thêm một tiếng rưỡi nữa. Kênya có thể cho phép tiếp nhiên liệu ở Nairôbi trong hành trình bay trở về, nhưng có một phương án nữa được tính đến là cướp nhiên liệu từ các bể chứa ở sân bay Entebbe.


Nhờ có thời gian ở Uganđa, người Ixraen nắm được đôi chút về hệ thống tiếp nhiên liệu tại sân bay Entebbe. Ngoài ra, nhà ga cũ trước đây lại do một công ty của Ixraen xây dựng. May mắn hơn, công ty này vẫn còn giữ bản thiết kế và họ trao lại cho chính phủ Ixraen. Cơ quan tình báo nước này, Mossad, cũng cung cấp thêm những thông tin quý giá về sơ đồ, địa hình khu vực Entebbe. Lực lượng này trước đó đã thuê một máy bay hạng nhẹ ở Nairôbi, và giả vờ đang có trường hợp cấp cứu trên máy bay để lượn quanh sân bay Entebbe chụp ảnh.


Chuẩn tướng Dan Shomron, chỉ huy lực lượng bộ binh và lính dù Ixraen, cho biết, vấn đề khó khăn nhất là liệu không quân Ixraen có thể đưa lực lượng vào sân bay Entebbe mà không đánh động bọn khủng bố không? “Khi đã đổ bộ được xuống sân bay Entebbe, chúng tôi có thể tiến hành chiến dịch một cách dễ dàng”, Chuẩn tướng Dan Shomron khẳng định chắc như đinh đóng cột.


Đến chiều ngày thứ năm, ngày 1/7/1976, 90 phút trước khi đến thời hạn chót mà nhóm khủng bố đưa ra, chính quyền Ixraen vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch chắc chắn nào. Sau đó, Ixraen chính thức tuyên bố, nước này sẽ đàm phán với bọn khủng bố để giải quyết vấn đề con tin. Sau khi nhận được tin phản hồi, nhóm khủng bố ra hạn cho phía Ixraen, thời hạn cuối là 2 giờ chiều ngày chủ nhật.


Cuối buổi tối hôm đó, quân đội đệ trình một bản kế hoạch chi tiết về chiến dịch giải cứu con tin lên chính phủ Ixraen. Người có công đóng góp lớn trong việc soạn thảo là Peled và Shomron. Theo đó, một lực lượng hỗn hợp sẽ được đưa đến sân bay Entebbe bằng máy bay để tiến hành một cuộc đột kích bất ngờ vào ban đêm. Lực lượng làm nhiệm vụ chuyên chở quân sẽ được rút xuống còn bốn máy bay C-130. Kế hoạch được đặt tên là chiến dịch Thunderbolt (Thần sấm). Thiếu tướng Yekutiel Adam, Cục trưởng Cục tác chiến và đồng thời là nhân vật số hai trong quân đội, sẽ là tổng chỉ huy. Shomron được chỉ định là người chỉ huy trên mặt đất.

Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 3: Đánh vào phút chót