08:11 31/08/2012

Cảng Đà Nẵng, mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics

Với vai trò là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) cũng như hàng hóa trong khu vực với quốc tế, nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là điểm giữa các tuyến giao thông Bắc - Nam, nằm gần với đường hàng hải quốc tế...

Với vai trò là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) cũng như hàng hóa trong khu vực với quốc tế, nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là điểm giữa các tuyến giao thông Bắc - Nam, nằm gần với đường hàng hải quốc tế, cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển đóng vai trò quan trọng phục vụ EWEC, là khu hậu cần để tập trung, phân phối hàng hóa.

 

Vận chuyển hàng container tại bến Tiên Sa thuộc Cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

 

Cảng Đà Nẵng có tổng diện tích kho chứa hàng gần 30.000 m2, tổng diện tích bãi chứa hàng 230.000 m2. Các kho hậu cần bên ngoài do các đơn vị vận tải quản lý có diện tích 60.000 m2 và hơn 100.000 m2 bãi chứa hàng. Bên cạnh đó, cảng Đà Nẵng còn đóng vai trò là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên tuyến EWEC. Sớm nắm bắt xu hướng container hóa, trong thời gian qua, cảng Đà Nẵng không ngừng đầu tư nâng cao năng lực khai thác cảng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để thích nghi hơn với tàu container, trở thành cảng container có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung, sẵn sàng mọi nguồn lực cho việc khai thác và phục vụ tốt nhất cho việc giao thương hàng hóa.


Cảng Đà Nẵng gồm 2 khu vực: Khu bến cảng Tiên Sa và khu cảng Sông Hàn có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 40.000 - 45.000 DWT, tàu container đến 2.000 Teus và tàu khách đến 75.000 GRT. Lượng hàng hóa thông qua cảng tăng lên qua các năm. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng hàng container bình quân qua cảng Đà Nẵng 22%. Dự kiến trong năm 2012, có 600 lượt tàu container, sản lượng container qua cảng đạt 150.000 Teus, tăng 30% so với năm 2011. Hiện tại, có 10 hãng tàu container có tàu đến cảng Đà Nẵng, với trung bình 12 chuyến/tuần, tăng 50% so với năm 2009.


Hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km, phía Việt Nam, tính từ cửa khẩu Lao Bảo về tới cảng Đà Nẵng (đường 9 và quốc lộ 1 A) 300 km, có khoảng 30 thị trấn, thị tứ, đường hẹp, mật độ xe máy lưu thông cao. Nhiều điểm, chốt giao thông quy định tốc độ trung bình khoảng 40 km đã làm hạn chế tốc độ lưu chuyển của hàng hóa. Đường số 9 phía bạn Lào 280 km bị hư hỏng nhiều đoạn nên tốc độ xe vận tải ở đây khoảng 40 km/giờ... Đây là những nguyên nhân làm cho xe cộ, hàng hóa và người từ Lào, Thái Lan vào Việt Nam còn ít. Thủ tục hải quan giữa các quốc gia thuộc EWEC vẫn còn nhiều khác biệt, dẫn đến chi phí xuất, nhập khẩu tương đối cao, thời gian còn dài. Thủ tục kiểm tra "Một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan vẫn chưa được thực hiện do chưa có quy trình thủ tục phối hợp giữa các cơ quan biên phòng, kiểm dịch với hải quan cửa khẩu, do phía bạn chưa có điều kiện mua sắm thiết bị, tài sản...


Để trở thành cửa ngõ chính trên EWEC, cảng Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược kinh doanh phát triển cảng. Theo đó xây dựng khu cảng tại Sơn Trà với chiều dài cầu cảng 400 m, đáp ứng tàu 15.000 DWT; đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa, xây mới cầu cảng dài 500 m tại Xí nghiệp cảng Tiên Sa, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp 50.000 DWT và tàu container 3.000 đến 4.000 Teus; thành lập khu kho bãi logistics rộng 20 ha trên tuyến quốc lộ Bắc Nam là kho ngoại quan ICD có chức năng lưu giữ, phân phối, giao nhận hàng hóa từ các vùng hậu phương lớn để xuất nhập khẩu qua cảng. Đặc biệt, tiếp nhận hàng hóa từ Hành lang kinh tế Đông - Tây xuất qua cảng Đà Nẵng và ngược lại. Thúc đẩy hoạt động marketing trên tuyến EWEC; xúc tiến công tác tiếp thị, quảng bá hình ảnh cảng Đà Nẵng với các nhà xuất nhập khẩu, logistics... Cảng Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng hàng năm từ 12 - 15% để đến năm 2015 sản lượng hàng hóa qua cảng 6,5 triệu tấn; trong đó hàng container đạt 250.000 Teus, đến năm 2020 đạt 600.000 Teus. Tỷ trọng hàng hóa trên EWEC chiếm từ 10 - 15% tổng số hàng hóa qua cảng.


Tuy nhiên, để dịch vụ logistics trên EWEC sớm phát triển, các cấp có thẩm quyền cần sớm thực hiện quy định "Một cửa, một điểm dừng" tại cửa khẩu Lao Bảo - Densavan. Đồng thời nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng mới cơ sở hạ tầng trên tuyến EWEC, bảo đảm thông thoáng, tốc độ lưu thông từ 80 - 90 km/giờ. Riêng đường 9 phía bạn Lào bị hư hỏng nặng cần sớm được khắc phục nâng cấp. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa kế hoạch xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Cam Lộ vào giai đoạn 2011 - 2015 thay vì 2015 - 2020 để thu hút hàng hóa về cảng Đà Nẵng. Tại các thành phố lớn dọc trên tuyến, chính quyền các thành phố cần phối hợp để xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài tham gia đầu tư phát triển kinh tế trên hành lang, chuyển từ hành lang vận tải hiện nay trở thành hành lang kinh tế đúng nghĩa của nó...


Logistics mới hình thành ở Việt Nam từ khi đất nước mở cửa và ngành vận tải biển bắt đầu phát triển. Logistics Việt Nam được xếp thứ 53/115 nước có nguồn thu nhập logistics chiếm từ 10 - 15% GDP quốc gia (khoảng 8 - 10 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, điều đáng lo là logistics Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, không đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, chỉ đảm nhận một phần công đoạn trong dây chuyền nội địa (như xếp dỡ, lưu kho bãi, kiểm đếm, làm thủ tục giao nhận hàng hóa...), thực chất là làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài. Vì vậy, nhiều năm qua, các tập đoàn hàng hải quốc tế vẫn tiếp tục kiểm soát ngành logistics ở các cảng biển Việt Nam và thị phần gần như không thay đổi. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những năm gần đây, ưu thế của phương thức vận tải container đã thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Thị trường phát triển logistics tại khu vực thành phố Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng... Chính vì vậy việc sớm phát triển dịch vụ logistics trên tuyến EWEC sẽ là một bước đột phá quan trọng trong chuỗi hình thành và phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.


Văn Sơn