10:18 27/10/2014

Canada trước áp lực về chính sách chống khủng bố

Canada là một quốc gia thanh bình, rất hiếm khi xảy ra khủng bố. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố sát Tòa nhà Quốc hội hồi tuần trước sẽ buộc nước này phải có những thay đổi liên quan tới chính sách ngoại giao và chống khủng bố trong thời gian tới.

Canada là một quốc gia thanh bình, rất hiếm khi xảy ra khủng bố. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố sát Tòa nhà Quốc hội hồi tuần trước sẽ buộc nước này phải có những thay đổi liên quan tới chính sách ngoại giao và chống khủng bố trong thời gian tới.

Cảnh sát được tăng cường ở Ottawa sau vụ khủng bố 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), mặc dù tham gia tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng Canada không phải là mục tiêu chính của các tổ chức khủng bố quốc tế. Nước này không phải đối mặt với bất cứ vụ khủng bố đáng kể nào từ sau vụ 11/9/2001 ở Mỹ. Theo Cơ sở dữ liệu chống khủng bố toàn cầu (GTD), trong giai đoạn từ năm 2002 - 2013, chỉ có một người duy nhất ở Canada bị thiệt mạng do khủng bố.

Kết quả trên có thể là nhờ những nỗ lực chống khủng bố của Canada. Trong những năm gần đây, Ottawa đã liên tục đầu tư nguồn lực vào công tác phát hiện sớm những thách thức do các nhóm khủng bố trong nước tạo ra. Năm 2011, chính phủ nước này đã khởi động dự án Kanishka với kinh phí 10 triệu USD nhằm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến khủng bố và chống khủng bố, trong đó có việc ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Dù vậy, Canada dường như cũng không vội vã áp đặt các biện pháp phòng ngừa thái quá như nhiều quốc gia khác. Trong các phát biểu của mình sau vụ tấn công ngày 22/10 vừa qua, Thủ tướng Stephen Harper luôn khẳng định Canada "không bao giờ bị đe dọa" bởi các vụ khủng bố. Cách tiếp cận thận trọng này có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các vụ tấn công tương tự trong ngắn hạn và tránh tạo ra những hậu quả tiêu cực trong dài hạn.

Tuy nhiên, chính phủ Canada sẽ phải đối mặt với những áp lực, đòi hỏi phải có những thay đổi trong chính sách ngoại giao và chống khủng bố của nước này. Việc liên minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với Israel và can thiệp quân sự vào Afghanistan khiến Canada không thể “miễn nhiễm” với khủng bố.

Nhiều người sẽ yêu cầu chính phủ phải có biện pháp cứng rắn hơn, đặc biệt các cơ quan tình báo có thể sẽ đòi quyền giám sát lớn hơn với người dân. Công tác kiểm soát an ninh và ứng phó khủng hoảng xung quanh Tòa nhà Quốc hội và trụ sở các cơ quan chính phủ sẽ cần phải được rà soát lại.

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng trong các cuộc điều tra. Khi vụ tấn công xảy ra hôm 22/10 vừa qua, lực lượng cảnh sát Canada đã nhanh chóng yêu cầu người dân không đăng những bức ảnh và những đoạn băng ghi hình lên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và những người tham gia ứng phó sự vụ này.

Có nhiều người sẽ kêu gọi giới chức Canada áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào những đối tượng tình nghi chuẩn bị sang Syria và Iraq hoặc đang trên đường trở về từ khu vực này. Tuy nhiên, các biện pháp mới sẽ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng về những tác động ngược của chúng. Chẳng hạn như việc phân biệt đối xử với những "du khách cực đoan", tịch thu hộ chiếu hay hủy bỏ quyền công dân của họ có thể khiến cho một số cá nhân thêm tức giận.

Một số người cũng sẽ hối thúc Canada xem xét lại chính sách ngoại giao của nước này theo hướng ít ủng hộ quan điểm của Washington hơn khi họ nhấn mạnh rằng vụ tấn công sát Tòa nhà Quốc hội Canada xảy ra ngay trong tuần đầu tiên nước này tham gia chiến dịch không kích do Mỹ lãnh đạo nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.

Bất chấp mối liên hệ thường gây tranh cãi giữa các vụ tấn công khủng bố trong nước với chính sách ngoại giao, nhiều người sẽ ủng hộ Canada quay trở lại với trọng tâm chiến lược là sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Mặc dù có đầy đủ các công cụ để đối phó hiệu quả, thận trọng và hợp lý các vụ tấn công như vừa qua, nhưng Canada cần tránh lặp lại những sai lầm như Mỹ từng phạm phải sau vụ ngày 11/9/2001.


Huy Hiệp