12:22 30/12/2014

Cần xử lý sớm vi phạm ở huyện Thanh Trì

Thời gian gần đây, dư luận xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội xôn xao về việc công trình xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên lớn dần trên phần diện tích đất tranh chấp 466 m2 giữa hai gia đình trên địa bàn huyện.

Thời gian gần đây, dư luận xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội xôn xao việc công trình xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên lớn dần trên phần diện tích đất tranh chấp 466 m2 giữa gia đình tại địa bàn huyện.

Đó là phần đất tranh chấp giữa ông Hoàng Văn Hoa và Hoàng Văn Sáng trú tại đội 9 thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi. Sự việc càng "nóng" khi Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã có kết luận và trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ sự việc.

Phần đất đang xảy ra tranh chấp giữa hai gia đình tại huyện Thanh Trì.


Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong một bộ phận dân cư, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Nhiều sai sót trong xác minh sự việc

Trên thực tế, nguồn gốc diện tích đất 466 m2 tại thử đất số 48, tờ bản đồ số 1 (địa chỉ Đội 9 thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, TP Hà Nội) là đất giãn dân, ông Hoa được UBND xã Ngọc Hồi cấp từ năm 1977. Tại diện tích đất được cấp này, ông Hoa đã làm nhà kiên cố, làm vườn trồng cây ăn quả.

Gia đình ông Hoa đã sử dụng đất liên tục từ năm 1977 đến năm 1994, không có tranh chấp với bất kỳ ai và ông cũng đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính với nhà nước tại diện tích đất trên.

Tuy nhiên, đến ngày 01/3/1995, ông Hoàng Văn Sáng (cháu ông Hòa là bố của ông Hoa) cũng trú cùng thôn, đã huy động “lực lượng” kéo đến chặt phá cây cối, hoa màu trong vườn nhà ông Hoa.

Khi ông Hoa trình báo chính quyền mới phát hiện ông Sáng đã giao nộp cho UBND xã Ngọc Hồi một bản di chúc viết tay đề ngày 2/6/1994, có chữ ký tên Hòa và Tý – bố mẹ ông Hoa.

Theo bản di chúc này thì cụ Hòa và cụ Tý chia cho ông Sáng được thừa kế 6 miếng đất bằng 252m2, nằm trong diện tích 466 m2 ông Hoa đã được cấp và sử dụng từ năm 1977. Tại bản di chúc còn có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Trung Úy, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi.

Tiếp theo đó, để giải quyết tranh chấp giữa các bên về quyền sử dụng đất nói trên, UBND xã Ngọc Hồi đã ra Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 23/2/1996 không công nhận ông Hoa được sử dụng toàn bộ diện tích 466 m2 đất, đồng thời xác định đây là tranh chấp giữa ông Hoa và ông Hòa chứ không phải là với Hoàng Văn Sáng.

Sự việc tiếp tục kéo dài đến ngày 12/7/2004, khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4299/QĐ-UB phân chia thửa đất tranh chấp theo thực tế sử dụng, ông Hoàng Văn Sáng được sử dụng 252 m2 đất tại diện tích 466 m2 đã cấp cho gia đình ông Hoa. Quyết định nêu rõ đây là giải quyết cuối cùng của UBND thành phố Hà Nội.

Tại công văn số 1625 ngày 28/3/2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp kiểm tra làm rõ nội dung trên. Tại báo cáo số 184 ngày 31/10/2007 gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định Thanh tra thành phố Hà Nội đã có nhiều sai sót trong quá trình xác minh sự việc.

Việc cơ quan này dựa vào tờ di chúc của Hoàng Văn Sáng để tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội giải quyết đơn khiếu nại theo hướng có lợi cho ông Sáng là sai thẩm quyền, vi phạm Điều 136 Luật Đất đai 2003. Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giải quyết sự việc theo hướng công nhận quyền sử dụng đối với 466 m2 của gia đình ông Hoa, giải quyết chỗ ở cho ông Sáng sang diện tích đất khác.

Đồng thời, kiểm điểm làm rõ sai phạm của các cán bộ xã Ngọc Hồi. Thêm vào đó, tại công văn số 150/VPCP-V.II ngày 08/1/2008 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội giải quyết sự việc theo hướng kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

Mảnh đất này khi chưa giải quyết dứt điểm, nhưng chính quyền vẫn để nhân dân xây dựng đang làm cho tình hình càng thêm phức tạp, nếu không được ngăn chặn càng làm mất ổn định tình hình địa phương.

Theo quan sát thực tế của phóng viên, công trình không những không được đình chỉ thi công theo quyết định của xã, mà gia đình ông Sáng đã hoàn thành xây dựng lợp mái tầng 1.

Dư luận băn khoăn, có hay không chuyện chính quyền địa phương "phớt lờ" công văn số 5031/BTNMT-TTr ngày 14/11/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra và phân tích hàng loạt những sai sót trong báo cáo số 173/BC-UBND của UBND thành phố Hà Nội, như về quá trình sử dụng đất, về đăng ký kê khai quyền sử dụng đất theo Chỉ thị 299/TTg, về tính hợp pháp của tờ di chúc, về thời điểm xảy ra tranh chấp.

Bên cạnh đó, căn cứ biên bản làm việc ngày 29/4/1996 giữa Thanh tra huyện Thanh Trì, UBND xã Ngọc Hồi và gia đình ông Hoa đã xác định cụ Hoàng Văn Hòa là người bị tâm thần trước năm 1954, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định ông Hòa không có đủ năng lực hành vi để xác lập di chúc.

Trao đổi với nhóm phóng viên chúng tôi vào ngày 26/12 về sự việc này, ông Nhân Văn Đoàn, Chủ tịch xã Ngọc Hồi cho biết: "Chính quyền xã giải quyết như trên là hợp lý, ông Sáng sức khỏe yếu, lại cần một chỗ ở ổn định nên xã đã chấp nhận để ông xây nhà tạm trên phần đất này. Như vậy, là xã Ngọc Hồi đang giải quyết dựa theo “tình”, “phớt lờ” để nhân dân xây dựng trên mảnh đất tranh chấp, báo hiệu vụ việc càng trở nên phức tạp về sau".

Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cũng nêu rõ: Hướng giải quyết của UBND huyện Thanh Trì là tiếp tục tuyên truyền vận động hòa giải để xử lý vụ việc. Mặt khác, UBND huyện cũng yêu cầu chính quyền xã Ngọc Hồi, cùng các ngành, đoàn thể xem xét vận dụng các quy định của nhà nước để có thể cấp đất cho gia đình ông Hoàng Văn Sáng, nhằm ổn định đời sống dân cư, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Năm 2015 thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, nhưng việc vi phạm ở các cấp cơ sở vẫn diễn ra phực tạp.


Tin, ảnh: Mạnh Khánh – Nguyễn Thắng (TTXVN)