09:21 10/09/2015

Cạn tiền, LHQ bất lực nhìn khủng hoảng di cư

Theo một số quan chức Liên hợp quốc, các cơ quan nhân đạo của họ đang gần kề phá sản và không đủ khả năng tài chính để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của hàng triệu người tị nạn, trong bối cảnh quy mô của cuộc khủng hoảng di cư ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu hiện quá lớn.


Dòng người tị nạn tới Hungary với hy vọng đến khu vực hành lang mở để vào Tây Âu.


Do điều kiện sống tại Lebanon và Jordan ngày càng tồi tệ, đặc biệt là thiếu lương thực và chăm sóc y tế, nhiều người trong số khoảng 4 triệu người Syria tị nạn tại hai nước này đang di cư sang châu Âu. Chiều hướng đó đã dẫn tới những làn sóng di cư theo hướng Tây-Bắc, hướng sang châu Âu, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres cho hay nếu như năm 2010, số người phải di rời do các cuộc xung đột là 11.000 người thì tới năm 2014, con số này đã lên tới 42.000 người, đồng nghĩa rằng các nhu cầu thiết yếu từ nơi ăn, chốn ở đến điều kiện vệ sinh, thực phẩm và hỗ trợ thuốc men, giáo dục đều gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, ngân sách lại hạn hẹp. Năm 2015, ngân sách dành cho việc hỗ trợ người di cư giảm khoảng 10% so với năm 2014. Ông Guterres cho rằng cộng đồng nhân đạo quốc tế hoạt động hiệu quả, song ông thừa nhận: “Chúng tôi sắp bị phá sản về mặt tài chính”.

Số lương thực dành cho người tị nạn Syria ở Lebanon và Jordan, cũng như người tị nạn Somali và Sudan ở Kenya ngày một giảm. Những người tị nạn sống trong các trại dành cho người tị nạn ở Chad đã nhận được những lời cảnh báo rằng số lương thực dành cho họ có thể cạn hoàn toàn vào cuối năm nay. Các dịch vụ y tế của LHQ cũng đã bị ngừng tại nhiều nơi ở Iraq, khiến cho hàng triệu người di rời tại nước này không được chăm sóc y tế.

Đa phần công tác nhân đạo của LHQ nhận được sự hỗ trợ tài chính hoàn toàn từ các chương trình thiện nguyện của các chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân. Trong khi đó, các cơ quan như UNHCR và Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) lại không nhận được bất kỳ khoản ngân sách thường xuyên nào mà các nước đóng góp vào ngân sách của LHQ. Ông Guterres đang đi đầu trong nỗ lực kêu gọi LHQ thay đổi cơ chế cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cũng như đề nghị các nước thành viên đưa ra các khoản đóng góp thường xuyên hơn cho các cơ quan chủ chốt của LHQ.

Ngân sách viện trợ nhân đạo toàn cầu cho tất cả các nước hiện nay đứng ở mức 19,52 tỷ USD, song mới huy động được 7,15 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế. Kế hoạch hỗ trợ người tị nạn Syria cũng mới chỉ nhận được 35% trong tổng số 1,3 tỷ USD cần có để hỗ trợ những người tị nạn tại các trại cũng như trợ giúp về mặt cho những nước tiếp nhận họ.

Việc thiếu nhiều triệu USD kinh phí hoạt động đã buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 8 phải đóng cửa 184 trạm y tế tại 18 quận huyện của Iraq, nơi diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt hoặc có lượng người sơ tán lớn, khiến cho ba triệu người không được chăm sóc y tế. WHO đang cố gắng huy động 60 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động chăm sóc y tế ở Iraq, song đến nay cũng mới nhận được 5,1 triệu USD từ các nhà tài trợ.

Đối với LHQ, một cuộc khủng hoảng lớn nữa là cung cấp lương thực cho người tị nạn. Trong năm nay, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cắt giảm khẩu phần ăn của 1,6 triệu người tị nạn Syria. Những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất ở Lebanon hiện chỉ có khoảng 13 USD để chi cho lương thực mỗi tháng. WFP đã lên tiếng cảnh báo rằng với việc nhận được số tiền ít ỏi này, những người tị nạn rất dễ bị các nhóm cực đoan lôi kéo. Từ đầu năm tới nay, WFP đã phải hai lần cắt giảm lương thực dành cho người tị nạn ở các trại Daadab và Kakuma ở Kenya và cho người tị nạn Sudan ở Uganda. WFP quan ngại rằng trong tình trạng tuyệt vọng, những người tị nạn Syria có thể ra các quyết định nguy hiểm như trở lại Syria hoặc sang châu Âu.

Người đứng đầu UNHCR Antonio Guterres muốn có được sự thay đổi nhanh chóng đối với hệ thống cung cấp tài chính. Tình huống hiện nay là rất khẩn cấp. Người Syria không được làm việc hợp pháp cũng như không nhận được đủ sự hỗ trợ cần thiết, đó là lý do khiến ngày càng có nhiều người di cư khỏi nước này.

Như Mai (P/v TTXVN tại Anh)