12:08 31/12/2015

Cần thuận tiện hơn trong chi trả chính sách hỗ trợ người có công

Những ngày gần đây, các thương, bệnh binh trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã phản ánh những điểm chưa phù hợp thực tế về cách thức thanh toán, chi trả chế độ dụng cụ chỉnh hình năm 2014- 2015

Những ngày gần đây, các thương, bệnh binh trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã phản ánh những điểm chưa phù hợp thực tế về cách thức thanh toán, chi trả chế độ dụng cụ chỉnh hình năm 2014- 2015. Việc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên đang thực hiện là đúng theo những quy định của Nhà nước, song chưa phù hợp với điều kiện thực tế.


Kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm điều dưỡng người có công Kim Bôi. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)


Cụ Phạm Đình Thi, 75 tuổi, thương binh hạng 4/4, trú tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Những năm trước đây, các đối tượng là thương binh được các cơ quan chức năng tổ chức đến khám và cấp phát phụ kiện chỉnh hình như chân - tay giả, mắt giả, giày kê chân, máy trợ thính, kính mắt…


Tới năm 2013, do thay đổi cách thức thực hiện, thương binh mang sổ theo dõi cấp phát và Chứng minh nhân dân lên phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là được lĩnh tiền mặt. Nhưng từ năm 2014 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại quy định khi đến lĩnh chế độ này, phải có hóa đơn đỏ thì mới được thanh toán. Vậy là các đối tượng chính sách phải "chạy đôn chạy đáo" tìm hóa đơn đỏ để trình mới được lĩnh tiền.



Theo cụ Phạm Đình Thi, việc thanh toán như trên đang gây bất cập cho các đối tượng thụ hưởng. Do đó, nên trở lại chế độ cấp trực tiếp dụng cụ chỉnh hình là tốt nhất; nếu không cũng có thể cấp tiền theo cách nào đó để những thương binh, đa số đều rất khó khăn về kinh tế, tàn phế về thể chất có thể nhận chế độ một cách thuận lợi nhất. Nếu cứ tiếp tục thực hiện theo hình thức trên sẽ gây khó khăn cho các đối tượng chính sách trong việc đi lại, thậm chí sẽ hình thành cả sự... gian dối trong việc mua bán hóa đơn.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Trúc, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Các đơn vị trong ngành đang thực hiện theo đúng quy định trong Thông tư liên tịch số 13 ngày 3/6/2014 giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác. Theo quy định của luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn bán hàng giao cho khách hàng. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị của các đối tượng chính sách, ngành kiến nghị cấp trên điều chỉnh các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.


Theo Phòng Chính sách Thương binh liệt sĩ - Bảo trợ xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên) tháng 9/2015, ngành đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức đo khám, lắp ráp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình cho người có công và người tàn tật trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay. Tuy nhiên, Trung tâm này hiện chỉ cung cấp chân- tay giả và xe lăn. Do đó, các đối tượng bị thương tật, cần phải sử dụng thiết bị trợ thính, giày chỉnh hình, mắt giả, kính mắt… sẽ chủ động đi khám, mua thiết bị rồi lấy hóa đơn về để được thanh toán.

Nhưng theo ý kiến của chính những cán bộ làm công tác Lao động- Thương binh và Xã hội thì việc triển khai trên có những điểm chưa phù hợp, cần được điều chỉnh. Cụ thể là: Các đối tượng là thương binh, bị thương tật nên rất khó khăn khi đi lại, tại Điện Biên lại không có các trung tâm chỉnh hình mà phải về miền xuôi để đo khám, gây tốn kém. 


Bên cạnh đó, có một số thương binh thấy dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ hỗ trợ mà mình đang sử dụng chưa cần phải thay thế, nhưng họ vẫn muốn được thanh toán khoản kinh phí trên, nên họ đã "đi kiếm" hóa đơn về để được thanh toán. Vì vậy các bộ, ngành nên xem xét kiến nghị của các đối tượng chính sách, cho phép họ được hưởng khoản kinh phí này theo chính sách thường xuyên mà không cần phải có hóa đơn thanh toán.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Tin Tức)