03:16 30/03/2022

Cần Thơ: Hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên

Ngày 30/3, tại Cần Thơ, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ ký kết hợp tác với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (trái) và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nam Cần Thơ ký kết các nội dung hợp tác chuyên môn về khám, chữa bệnh. 

Theo đó, khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4/2022, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ sẽ được Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên; hỗ trợ đào tạo thực hành cho học viên đang theo học khối ngành sức khỏe của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cử nhân sự đến thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh của Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ; hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa trong các trường hợp khẩn cấp, bệnh nặng và khó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học Nam Cần Thơ, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2018, thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng; quy mô 200 giường. Công trình gồm 01 tầng hầm và 10 tầng nổi, diện tích sàn xây dựng 28.500 m2, tổng kinh phí đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến tháng 4/2022 sẽ khánh thành đưa vào hoạt động.

Theo đuổi mô hình “doanh nghiệp trong trường học”, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ không chỉ khám, chữa bệnh, phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng, mà còn là môi trường học tập và thực hành cho sinh viên đang theo học khối ngành sức khỏe như: ngành bác sĩ y đa khoa, xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, dược học và quản lý bệnh viện...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, lễ ký kết đánh dấu việc học viên hai trường, hai bệnh viện được tiếp cận với công nghệ mới, các bác sĩ chuyên môn sâu... Đây cũng là một định hướng đúng đắn góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trên cơ sở đó, người dân trong vùng có thể khám, chữa bệnh tại chỗ, không phải chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)