06:19 09/06/2021

Cần Thơ dự kiến cần hơn 530 tỷ đồng xây kè chống sạt lở sông Trà Nóc

Kiểm tra tình hình sạt lở trên tuyến sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) chiều 9/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhận định, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cần sớm triển khai xây dựng bờ kè để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như cơ sở hạ tầng trong khu vực. Dự kiến kinh phí xây dựng bờ kè này khoảng 531 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiếm tra vị trí sạt lở bờ sông Trà Nóc, phường Trà An, quận Bình Thủy.

Khảo sát thực tế vị trí này cho thấy, đây là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Từ năm 2020 đến nay, trên đoạn sông này đã xảy ra 5 đợt sạt lở, làm sụp đổ và ảnh hưởng gần 40 căn nhà. Hiện nay, tình hình sạt lở diễn biến nguy hiểm, tiếp tục đe doạ đến tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông Trà Nóc.

Để lên phương án khắc phục, thành phố Cần Thơ đã mời Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo sát, tìm nguyên nhân gây sạt lở; đánh giá địa hình, địa chất và tư vấn xây dựng bờ kè tại khu vực này. 

Hiện đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án xây dựng kè chống sạt lở dài khoảng 1,1 km bên bờ trái sông Trà Nóc, từ cầu Trà Nóc tới cầu Xẻo Mây - đường Lê Thị Hồng Gấm. Qua thảo luận, các sở, ngành chức năng thành phố và UBND quận Bình Thuỷ thống nhất chọn phương án 3 với thiết kế tuyến kè có chiều dài 1,1 km gồm các hạng mục: bờ kè, công trình phụ trợ có vỉa hè rộng 2,4m, cầu thang dân sinh. Công trình còn có công viên chạy dọc theo kè, hệ thống cây xanh, điện trang trí, chiếu sáng công cộng. Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm hiện có chiều rộng 5m sẽ được mở rộng thành 8m.

Dự kiến kinh phí xây dựng gần 531 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Tổng số 122 hộ dân dọc sông Trà Nóc bị ảnh hưởng bởi dự án trên và thuộc diện phải tái định cư. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, đây là dự án cần triển khai thực hiện sớm, thông qua đó góp phần đảm bảo quỹ đất, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp.

UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu đơn vị tư vấn tính toán, điều chỉnh hạng mục công trình nhằm đảm bảo chất lượng, giảm bớt chi phí đầu tư. Cụ thể phần xây dựng công viên, mở rộng đường giao thông Lê Thị Hồng Gấm để quận Bình Thủy đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương.

Thành phố yêu cầu quận Bình Thủy đưa ra phương án họp dân, lấy ý kiến thống nhất xây dựng bờ kè; vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn và sẵn sàng bố trí tái định cư cho các hộ dân không có nơi ở mới. Chi cục Thuỷ lợi - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án phối hợp cùng các sở, ngành chức năng thành phố thực hiện các thủ tục cần thiết để có thể khởi công thực hiện dự án trên trong thời gian sớm nhất khi được phê duyệt…

Chú thích ảnh
Sạt lở bờ sông Trà Nóc tạo thành "hàm ếch" ăn sâu vào đất liền, các ngôi nhà ven sông có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra 11 vụ sạt lở bờ sông tại các quận Cái Răng, Thốt Nốt, Bình Thuỷ và huyện Phong Điền làm sạt hoàn toàn 4 căn nhà, 29 căn bị sạt một phần. Tổng chiều dài các đoạn sạt lở hơn 282m, thiệt hại tài sản trên 3,2 tỷ đồng.

Ứng phó với tình trạng này, Cần Thơ đang triển khai nhiều dự án kè chống sạt lở như dự án kè rạch Cái Sơn qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ dài hơn 2,8 km với kinh phí xây dựng gần 290 tỷ đồng; dự án kè chống sạt lở tại khu vực ngã ba sông Ô Môn và Rạch Tra, thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai dài 430m có tổng mức đầu tư hơn 49 tỷ đồng. Cuối tháng 5 vừa qua, thành phố Cần Thơ cũng vừa khởi công dự án kè sông Ô Môn khu vực phường Thới An, quận Ô Môn với kinh phí đầu tư hơn 114 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)