07:17 28/07/2014

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật báo chí hiện hành

Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí.

Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi bổ sung để công tác quản lý báo chí đạt được hiệu quả cao.


Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Luật Báo chí được Quốc hội thông qua năm 1989 và sửa đổi bổ sung năm 1999 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động báo chí trong nước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay.


Ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các quy phạm pháp luật về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản. T heo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có tới 50 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, chưa kể các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, của các tỉnh, thành phố . D o đó cần hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật vào trong Luật Báo chí để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà báo, người dân theo dõi và thi hành. Đặc biệt, trước những yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động báo chí và sự phát triển có tính chất bước ngoặt của công nghệ thông tin và truyền thông đòi hỏi Luật Báo chí phải được sửa đổi một cách căn bản nhằm bao quát đầy đủ các loại hình báo chí và mô hình hoạt động báo chí mới xuất hiện, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển lành mạnh.


Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về thực trạng hoạt động và cách thức quản lý của báo điện tử, một loại hình báo chí mới đang rất phát triển hiện nay. Đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay cả nước có 95 báo, tạp chí điện tử được cấp phép hoạt động. Báo chí điện tử còn tồn tại nhiều hạn chế, như thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin; thông tin sai sự thật, dung tục phản cảm; không ít báo điện tử vi phạm quy định về bản quyền, không dẫn nguyên vẹn từ các nguồn thông tin chính thống theo quy định của pháp luật… Để khắc phục những hạn chế trên cần xây dựng hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực này.


Nhiều tham luận cũng kiến nghị các sửa đổi, bổ sung như: về thẩm quyền xử lý vi phạm của báo chí nên giao cho các địa phương để hạn chế tình trạng quá tải đối với cấp Trung ương và phải được cụ thể hóa bằng Luật. Cần bổ sung các quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh đến các nội dung như hoạt động xã hội của cơ quan báo chí; tổ chức, hoạt động của Hội Nhà báo; cơ chế quản lý đối với văn phòng đại diện báo chí trong nước; trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động báo chí có yếu tố nước ngoài và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, phóng viên. Riêng tiêu chuẩn người lãnh đạo cơ quan báo chí, ngoài các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước thì phải có trình độ chuyên môn Cử nhân Báo chí trở lên...


Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Về nhân lực, hiện nay cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp Thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp Thẻ Nhà báo.


Thu Hoài