06:07 21/06/2016

Cần thêm thời gian hoàn thiện luật

Tháng 7 tới đây, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự thảo luật còn nhiều vấn đề chưa giải đáp được những quan tâm chung của dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các DNNVV có tiềm năng phát triển, thuộc những ngành, những lĩnh vực được lựa chọn để hình thành lực lượng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển có hiệu quả nhằm phát huy lợi thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Để góp ý hoàn thiện dự thảo luật, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhận định, việc quan tâm hỗ trợ DN cần thực hiện đến nơi đến chốn. Nhiều khi, DN cần hỗ trợ không phải vì họ yếu thế, mà Nhà nước cần xem việc hỗ trợ DN là một trong những chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy có 4 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường. Đây là 4 mấu chốt mà Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho các DNNVV. 

Đại diện tiếng nói của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng Thư ký Tô Hoài Nam nhận định, việc hỗ trợ cho DNNVV cần được Nhà nước xác định là “lực đẩy”, là “bệ phóng” để thúc đẩy năng lực sự phát triển và hội nhập của DNNVV. Thực tế, Nhà nước không đủ nguồn lực cả về vật chất và con người để thực hiện việc hỗ trợ cho một số lượng lớn các đối tượng DNNVV. Do đó, cần phải tiếp tục “lượng hóa” nội dung hỗ trợ DNNVV theo hướng càng chỉ rõ được những việc hỗ trợ thường xuyên cụ thể càng tốt, đồng thời đưa ra được cách thức hỗ trợ.“Quan trọng là cần phát huy sự tham gia của các tổ chức, đại diện DNNVV, các tổ chức hội, hiệp hội của DN vào hoạt động hỗ trợ DNNVV để tạo sự gắn kết trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ”, ông Nam nói.

Tính khả thi của dự thảo luật là nội dung được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các hiệp hội, DN rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đến thời điểm này chúng ta mới xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là khá chậm, mặc dù từ lâu đã nhận định được vai trò quan trọng của đối tượng này trong nền kinh tế. Những lợi ích khi luật hóa việc hỗ trợ DNNVV là điều có thể nhận ra nhưng thực thi các quy định của luật này mới là vấn đề cần quan tâm. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực thi Luật Hỗ trợ DNNVVcủa Chính phủ để đảm bảo các quy định này phát huy được hiệu quả, đưa sự hỗ trợ thành những lợi ích thực tế. 
Thạch Huê