08:11 29/08/2019

Cần thay đổi tư duy trong việc chống hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp cả về số lượng, đối tượng, mức độ và cách thức vi phạm.

Chống hàng giả còn mang tính “chữa cháy”

Gần đây, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện, tạm giữ hàng ngàn sản phẩm nhái, giả mạo xuất xứ tại chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1)… Vụ việc này không mới, bởi những lần kiểm tra trước đó, lực lượng quản lý thị trường cũng liên tục phát hiện các vi phạm tương tự.

Chú thích ảnh
Mũ bảo hiểm là sản phẩm thường xuyên bị làm giả, làm nhái.

Cụ thể, giữa tháng 7, trong chiến dịch cao điểm truy quét hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu được lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra tại chợ Bến Thành và trung tâm thương mại Sài Gòn Square đã phát hiện và tạm giữ 1.840 sản phẩm gồm túi xách, bóp, ví, đồng hồ, quần áo các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Rolex, Bvlgari, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, Chanel…

Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng hóa này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh.

Một số tiểu thương tại chợ Bến Thành “bật mí”: Các những sản phẩm trên được nhập bằng đường tiểu ngạch, chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/sản phẩm nhưng giá bán ra dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/sản phẩm, tùy loại. Theo đó, các tiểu thương sẽ "nhìn mặt bán hàng", khách hàng “sộp” thì bán vài triệu đồng/sản phẩm, còn khách bình dân bán vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.

Đang thiệt hại vì vấn nạn hàng giả, ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK SPARK PLUS Việt Nam, cho biết tỷ lệ bugi giả nhãn hiệu của doanh tại Việt Nam đang chiếm khoảng 20 - 30% thị phần và đang có xu hướng gia tăng. "Nếu như năm 2015, doanh nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng bắt được một vụ làm giả sản phẩm của đơn vị, năm 2017 bắt được năm vụ thì năm 2018 bắt được chín vụ và chỉ 6 tháng đầu năm 2019 đã bắt được 10 vụ", ông Kha cho biết.

Cũng theo ông Trần Thanh Kha, hiện nay hàng giả bày bán công khai, thách thức nhưng doanh nghiệp không thể ngăn chặn vì nhiều điểm kinh doanh biết bugi giả nhưng vẫn cố tình bán vì lợi nhuận. Thậm chí, có doanh nghiệp vừa bán hàng chính hãng vừa bán kèm hàng nhái (loại 1,2,3) với mức giá chênh lệch từ 20-50% tùy loại so với hàng chính hãng để kiếm lời. Trong khi đó, cơ quan chuyên trách không phân biệt được thật - giả nên gặp khó trong việc giám định, đánh giá hàng giả - hàng thật. Vì vậy, công tác chống hàng giả hiện nay gần như chỉ mang tính “chữa cháy”.

Thay đổi tư duy chống hàng giả

Theo ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến hàng giả mạo trên thị trường vẫn còn "đất sống" do chính người tiêu dùng không chủ động bảo vệ chính mình. "Người mua thích hàng xịn, nhưng giá phải rẻ, trong khi điều này là rất khó". Ngược lại, doanh nghiệp cũng chưa thực sự trách nhiệm, rốt ráo bảo vệ thương hiệu của mình. Thực trạng này đang khiến cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng khốc liệt hơn.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng thu giữ hàng ngàn chai sữa tắm giả tại TP Hồ Chí Minh.

“Đặc biệt, tình trạng hàng nhái, hàng giả mạo đang được sản xuất vô cùng tinh vi. Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp chính hãng đôi khi cũng không thể phân biệt được hàng thật - hàng nhái bằng các biện pháp thông thường như kiểm tra bằng cảm quan (mắt, tay…). Ngoài ra, còn có các trường hợp cố tình mua hàng giả, hàng nhái để thỏa mãn thói quen tiêu dùng hàng hiệu nhưng không đủ tài chính; hoặc vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng muốn được sử dụng hàng thật, tuy nhiên thị trường trong nước khó đáp ứng nên họ tìm mua hàng xách tay. Thế nhưng, khi mua hàng xách tay không phải ai cũng biết và phân biệt được hàng giả, do đó mới có chuyện bỏ tiền triệu mua hàng xách tay xong nhận về kết quả là hàng giả, hàng nhái thương hiệu”, ông Trần Giang Khuê cho biết.

Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết Chính phủ rất quyết tâm, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả. Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo, công điện, kế hoạch để chỉ đạo các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng triển khai thường xuyên; đồng thời, Chính phủ và Ban chỉ đạo cũng kịp thời chỉ đạo triệt phá các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nổi cộm thời gian qua. Ngoài ra, Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo các bộ ngành sửa đổi các quy định pháp lý, tạo điều thuận lợi nhất cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp là ăn chân chính mở rộng sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Câu chuyện hàng nhái, hàng giả mạo không mới, nhưng cách tiếp cận người tiêu dùng của hàng giả thường xuyên thay đổi với nhiều chiêu trò. Nếu không cảnh tỉnh, người mua rất dễ sập bẫy. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi tư duy chống hàng giả, không nên có tư tưởng chờ đợi mà cần chủ động hơn, kiên quyết hơn, tích cực tìm hiểu, rà soát, triệt phá các “ổ" hàng lậu, hàng giả để giảm lượng hàng tuồn ra thị trường ”, ông Trương Văn Ba cho biết thêm.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức