07:09 12/07/2011

Cần thay đổi phương thức quản lý một cách toàn diện

Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lúa lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), về công tác phát triển lúa lai trong thời gian tới.

Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lúa lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), về công tác phát triển lúa lai trong thời gian tới.

Vì sao sau gần 20 năm nghiên cứu, tới nay Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu giống lúa lai của người dân, thưa bà?

Theo tôi, việc này có những lý do sau:

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai muộn. Năm 1990, nông dân vùng biên giới phía Bắc bắt đầu trồng lúa lai thì năm 1992, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới xin được 1 dự án rất nhỏ (TCP/VIE 2251) do FAO tài trợ kinh phí để cho một số cán bộ kỹ thuật học chuyên gia về sản xuất hạt lai F1 bằng hạt bố mẹ của Trung Quốc, năm 1994 mới thành lập Trung tâm nghiên cứu lúa lai ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam để khởi động công tác nghiên cứu chọn tạo giống.

Về cán bộ nghiên cứu, chúng ta thiếu về số lượng, yếu về trình độ, bố trí tản mạn ở nhiều cơ quan, khó tập hợp để giải quyết các vấn đề trọng tâm. Đến nay, số cán bộ nghiên cứu chọn tạo giống lúa và lúa lai ở các viện, trường, trung tâm có trình độ cao đều rất ít.

Chế độ, cấp phát kinh phí và thanh toán chưa phù hợp với việc nghiên cứu chọn tạo giống. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các thí nghiệm chọn tạo giống. Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chọn tạo giống lúa bố mẹ và giống lúa lai mới trong nước.

Công ty CP giống cây trồng Thái Bình tập kết hạt giống chuẩn bị cung ứng cho các địa phương. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Giải pháp cho những vấn đề này là gì, thưa bà?

Cần thay đổi phương thức quản lý nghiên cứu khoa học của các bộ một cách toàn diện, triệt để; khuyến khích các giống mới (gồm cả dòng bố mẹ và giống lai) được nghiên cứu chọn tạo trong nước có giá trị phục vụ sản xuất. Có thể khoán gọn một lượng kinh phí nhất định cho một giống mới thay cho việc cấp đề tài theo thời gian để nhà chọn giống chủ động trong chi tiêu trong cả quá trình gây tạo vật liệu đến chọn giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương khoán gọn cho việc lai tạo giống mới, cần sớm thực hiện chủ trương này.

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh phức tạp hơn thì giống lúa lai nào sẽ giúp bà con nông dân đối phó với những khó khăn này, thưa bà?

Như mọi sinh vật tồn tại trong tự nhiên, giống lúa mới (lúa lai hay lúa thuần) đều có những ưu điểm và nhược điểm, chưa có giống nào chỉ có toàn ưu điểm phục vụ lợi ích của con người. Mặt khác đất nước ta trải dài trên 15 độ vĩ tuyến có tới 7 vùng sinh thái lớn, trong mỗi vùng lớn lại có các tiểu vùng khác nhau, đất đai, nước tưới, tập quán canh tác, sâu bệnh, cỏ dại... mỗi vùng đều không giống nhau.

Thêm nữa, biến đổi khí hậu rất khốc liệt và không thể dự đoán chính xác được nên việc chọn giống lúa lai nào để giúp ứng phó với những điều kiện này là vấn đề lớn của một quốc gia có tới 70% dân số sống bằng nghề nông. Vậy nên, Nhà nước cần xây dựng một chiến lược nghiên cứu chọn tạo giống lúa nói chung (trong đó có lúa lai) một cách hoàn chỉnh, trong chiến lược đó phải đề ra mục tiêu chính xác ngắn hạn và dài hạn, đề ra phương pháp nghiên cứu chuẩn mực để nhà chọn giống vận dụng linh hoạt. Chiến lược phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, phải tổ chức đội ngũ nghiên cứu chọn tạo giống có kiến thức cơ bản sâu và có kinh nghiệm thực tế đầy đủ, có lòng say mê nghiên cứu.

Dựa vào chiến lược chung đó, các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra giống mới thích ứng cho từng vùng, từng vụ, từng điều kiện cụ thể rồi tổ chức khảo nghiệm, trình diễn ở các địa phương. Kết quả khảo nghiệm, trình diễn giống mới hàng năm giúp cho người trồng lúa lựa chọn giống phù hợp nhất cho mình để sản xuất.

Xin cảm ơn bà!

V.H