01:10 14/01/2013

Cận Tết lo hàng lậu, hàng giả

Hàng lậu, hàng giả luôn được xem là vấn đề nhức nhối, nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Ở Hà Nội, cứ ra quân là lực lượng chức năng lại phát hiện hàng lậu, hàng giả.

Hàng lậu, hàng giả luôn được xem là vấn đề nhức nhối, nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Ở Hà Nội, cứ ra quân là lực lượng chức năng lại phát hiện hàng lậu, hàng giả. Các kho của quản lý thị trường vào thời điểm cận Tết Nguyên đán không còn chỗ chứa hàng vi phạm.


Đáng báo động, các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng được phát hiện thời gian gần đây, phần lớn là ngành hàng thực phẩm. Có nghĩa, sức khỏe của người tiêu dùng đang bị đe dọa nghiêm trọng từ đồ ăn, thức uống mất an toàn.


Ngày thường, người tiêu dùng đã thấp thỏm nỗi lo về thực phẩm mất an toàn, thì ngày Tết, nỗi lo lại càng lớn hơn khi những thông tin về hàng lậu, hàng giả được phát hiện cứ dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Chỉ 20 ngày ra quân kiểm tra các mặt hàng tiêu thụ dịp Tết, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã thu giữ hơn 20 lít rượu giả; số tem rượu ngoại giả được thu giữ được tính bằng kg. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với cơ quan công an phát hiện hơn 10 tấn ớt bột kém chất lượng tại Hải Dương; hơn nửa tấn thịt và nhiều sản phẩm thịt, trứng cá hồi, ngan, ngỗng, củ cải, lưỡi bò, lòng phèo, tim phổi lợn không rõ nguồn gốc được phanh phui tại quận Hoàng Mai; phát hiện nguyên liệu không rõ nguồn gốc và sử dụng chất tạo ngọt ngoài danh mục cho phép để làm nước ngọt tại Đông Anh ...


Mới đây nhất, sáng 11/1, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một đoàn xe mô tô vận chuyển gần nửa tấn nội tạng gia súc nhập lậu từ Trung Quốc… Đó chỉ là những vụ việc được phát hiện, còn bao nhiêu vụ việc như vậy, bao nhiêu tấn sản phẩm mất an toàn đi vào bữa ăn hằng ngày của từng gia đình?


Rõ ràng, đã có lỗ hổng lớn trong quản lý, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả. Tại các hội thảo, hội nghị về chống buôn lậu gần đây, từ Chính phủ tới các bộ, ban, ngành đều xác định rằng, chịu trách nhiệm chính đối với "vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thuộc về lực lượng hải quan, biên phòng (khu vực biên giới), các địa phương có cửa khẩu, quản lý thị trường, công an (khu vực nội địa)...


Sự vào cuộc chưa đúng mức của các bên, sự thiếu minh bạch trong quản lý, thanh kiểm tra, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các lực lượng… khiến thị trường trong nước chưa lúc nào được an toàn, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với nguy cơ hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, những bất cập chưa được giải quyết triệt để, thậm chí cả quan niệm sai lệch của một số địa phương, cũng làm cho công tác ngăn chặn, phòng ngừa hàng lậu, hàng giả trở nên lỏng lẻo.


Quản lý, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả không phải chỉ làm quyết liệt ở chiến dịch, ở cao điểm, mà phải làm hàng ngày. Nhiều ý kiến cho rằng, có tới ba bộ (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; rồi cả hệ thống các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật… cũng vào cuộc, nhưng hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn hiện diện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách. Hàng lậu, hàng giả, nhất là các mặt hàng thực phẩm, không chỉ là nguy cơ, mà đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe, sinh mạng con người. Người dân tiếp tục phải chịu cảnh vừa ăn vừa sợ, mà dẫu sợ thì vẫn phải ăn. Bởi khi đủ loại thực phẩm bẩn bủa vây, họ đâu có quyền lựa chọn.


Đã đến lúc không chỉ dừng ở phân việc, phân cấp, mà cần phải chỉ đích danh, quy trách nhiệm rõ ràng, đồng thời phải xử lý kiên quyết, đến đầu đến đũa những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ, nhưng vì lợi ích cục bộ mà chỉ làm chiếu lệ, làm cho có. Đây chính là một trong những lỗ hổng cần phải kiên quyết bịt lại thì mới hy vọng công tác chống hàng lậu, hàng giả mang lại hiệu quả.



Yến Nhi