01:05 22/01/2020

Cận Tết, công dân vẫn 'dài cổ' chờ rút tiền tại các cây ATM

Mặc dù các ngân hàng đều được cảnh báo cần có phương án dự phòng, tiếp quỹ tiền mặt kịp thời cho các cột thẻ ATM nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, gần Tết Nguyên đán là tình cảnh phải xếp hàng "dài cổ" chờ rút tiền lại diễn ra với những công nhân làm việc ở khu công nghiệp (KCN) Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tại KCN Bắc Thăng Long, mỗi cây ATM đều có hàng dài người lao động xếp hàng chờ đợi.

“Rồng rắn” chờ rút tiền

Khảo sát của phóng viên báo Tin tức ngày 21/1, trên một số tuyến phố trung tâm Hà Nội có cây ATM như phố Huế, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Hàng Bún, Lương Yên, Bạch Mai…không xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng chờ rút tiền; hoạt động giao dịch ATM nhìn chung ổn định.

Tuy nhiên tại các KCN của Thủ đô, người lao động vẫn phải xếp hàng dài, chờ đợi lâu để rút tiền lương, thưởng cuối năm. Một số công nhân tại KCN Bắc Thăng Long chia sẻ: Do hầu hết công nhân ở đây vẫn giữ thói quen mua sắm, tiêu dùng bằng tiền mặt, nên họ phải xếp hàng chờ từ 20 - 30 phút, thậm chí cả tiếng mới đến lượt. 

Anh Trịnh Tuấn, quê ở Nam Định than thở: “Hết ca làm, tôi chờ hàng tiếng để rút tiền cuối năm mà vẫn chưa đến lượt. Trong 2 - 3 năm gần đây, cứ từ 25 Tết trở đi, tình trạng phải xếp hàng dài rút tiền ATM lại tái diễn. Tôi mong các ngân hàng bổ sung cột thẻ ATM; đồng thời sát sao, cung ứng lượng tiền mặt kịp thời, tránh tình trạng chờ cả tiếng mới đến lượt thì máy lại báo... hết tiền”. 

Còn chị Thanh Huyền (quê Nghệ An) cho biết: "Cần mua sắm nhiều thứ nên tôi muốn rút khoảng 20 triệu đồng trước lúc về quê. Thế nhưng năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là xảy ra quá tải ở các cây ATM".

Cùng chung tâm trạng, chị Phạm Thị Phượng, công nhân KCN Bắc Thăng Long chia sẻ: Việc đợi lâu như thế này khiến nhiều công nhân khó chịu vì còn vướng bận việc nhà. Bản thân chị Phượng cũng phải chờ 30 phút mới đến lượt. “Chiều tối 20/1, hai vợ chồng tôi có ra cột thẻ VietinBank cổng B ở KCN Bắc Thăng Long rút nhưng máy báo lỗi. Chúng tôi phải đi thêm mấy cây số để tới KCN Quang Minh, nhưng các cột thẻ ATM cũng đều báo hết tiền. So với các năm trước, người dân xếp hàng chờ rút tiền thẻ ATM có ý thức hơn, không chen lấn nhưng tôi mong muốn các ngân hàng cần tăng cường tiếp quỹ kịp thời”, chị Phượng nói. 

Lường trước được tình trạng này, nên hầu hết các ngân hàng cũng đã đưa ra các biện pháp "giảm tải" dịp Tết. Theo bà Trần Thị Thu Oanh - Giám đốc Phòng giao dịch Agribank chi nhánh Kim Chung (KCN Thăng Long, Hà Nội), dịp này, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong KCN đưa ra các phương án giãn lệch ngày trả lương, nhằm giảm tải ATM trong dịp Tết. Phía ngân hàng cũng tìm hiểu lịch nghỉ Tết của doanh nghiệp để từ đó luân phiên "đổ" lương vào thẻ cho từng doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp giữ lại một phần tiền thưởng Tết để trả vào ngày cuối cùng, ngân hàng tính đến phương án trả tiền mặt trực tiếp cho công nhân.

Chú thích ảnh
Các cây ATM đều chật kín người.

“Hiện ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội có khoảng 20 cây ATM, trung bình phòng giao dịch chi nhánh Kim Chung tiếp quỹ 10 - 20 tỷ đồng/ngày, mỗi ngày 1 lần. Vào cao điểm gần Tết, ngân hàng sẽ tiếp quỹ 2 lần mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng”, đại diện Agribank chi nhánh Kim Chung nói.

Còn ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt Vietcombank (VCBC) cho hay: Hiện VCB có hệ thống Monitor để giám sát việc tiếp, nạp quỹ vào các máy ATM, theo đó theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ tiền mặt tại các máy, xác định tần suất tiếp quỹ, số tiền mỗi lần tiếp quỹ để có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt phù hợp; tăng cường tần suất tiếp quỹ trong những ngày cao điểm, bố trí bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua email, tin nhắn SMS để theo dõi trạng thái hoạt động của từng máy, kịp thời nắm bắt các sự cố phát sinh và xử lý sự cố.

Phía đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng chia sẻ: “Với nhu cầu sử dụng dịch vụ thẻ dịp Tết tăng cao, MB đã có phương án phân công trực Têt, chặt chẽ trong nội bộ. Khi gặp bất cứ vướng mắc nào liên quan đến giao dịch thẻ, khách hàng có thể liên hệ tại đường dây nóng 24/7 được đăng tải trên website của ngân hàng”.

Tuy nhiên, rõ ràng, dù đã có biện pháp, nhưng với tỷ lệ rút khá dồn dập, nhất là tại các KCN như trên, thì cũng không thể khắc phục hoàn toàn tình trạng "tắc nghẽn", xếp hàng trong những ngày cuối cùng của năm cũ như hiện nay.

Tăng tính bảo mật để khách hàng an tâm giao dịch thẻ

Nhu cầu giao dịch tăng đột biến, tội phạm công nghệ cao gia tăng hoạt động khiến các ngân hàng dễ rơi vào tình trạng lỗi hệ thống hoặc bị tấn công trong dịp cận Tết.

Mới đây, không ít người xôn xao về sự cố kỹ thuật của ngân hàng MB, đó là một số khách hàng có thể sử dụng thẻ Visa Debit của MB như thẻ tín dụng (không có tiền trong thẻ mà vẫn thanh toán được hàng trăm triệu đồng). Phía MB đã làm việc với nhóm khách hàng này để tiến hành thu hồi số tiền đã chi tiêu vượt hạn mức. Tình trạng thẻ không có tiền mà vẫn thanh toán được cũng khiến không ít người lo ngại việc thẻ có tiền, tài khoản không giao dịch mà tiền lại “bốc hơi” như đã từng xảy ra ở một số ngân hàng uy tín.

Chú thích ảnh
Các công nhân ở khu công nghiệp phải đợi từ 20 - 30 phút mới đến lượt rút tiền.

“VCB đã thiết lập hệ thống cảnh báo giám sát từ xa kết hợp với tuần tra, kiểm soát đối với hệ thống ATM nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất hợp pháp (trộm, cướp, đập phá, cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thẻ…) để bảo đảm an ninh, an toàn các máy cũng như khách hàng giao dịch. Tại mỗi máy ATM của chi nhánh đều thiết lập đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ, phản ánh những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch”, ông Hoàng Anh Tuấn - VCBC nói.

Phía Vietcombank cũng không ngừng đầu tư các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán như: Giải pháp 3D Secure trong lĩnh vực thanh toán thẻ, giải pháp xác thực 2 nhân tố 2FA (hệ thống xác thực 2 lớp), tích hợp các kênh/dịch vụ thanh toán của Vietcombank đảm bảo cung cấp cho khách hàng những phương thức xác thực an toàn, thân thiện. Việc chuyển đổi thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip (theo tiêu chuẩn VCCS – bộ tiêu chuẩn thẻ chip) mà các ngân hàng đang triển khai trong thời gian qua sẽ giảm thiểu nguy cơ gian lận hay đánh cắp dữ liệu thẻ. 

Để cảnh báo vấn nạn lừa đảo qua thẻ, ATM, Techcombank vừa đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay của tin tặc như: Thu thập thông tin khách hàng bằng nhiều cách thức khác nhau; lừa đảo những người bán hàng online thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình lên trên Facebook…

Các ngân hàng đều khẳng định: Ngân hàng không bao giờ gửi link hoặc liên hệ  với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức nên những yêu cầu đó là giả mạo.

 

M.Phương - L.Phú/Báo Tin tức