04:11 09/04/2011

Cần tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo

Với 115 hộ dân sinh sống, chỉ có 20 hộ đồng bào dân tộc địa phương, nhưng ấp Phú Tiến, thuộc xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước lại có đến hơn 1/2 hộ thuộc diện nghèo. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, trong đó phải kể đến do ở vùng sâu, vùng xa, cùng với hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, việc vay nợ kéo dài, khó có khả năng chi trả… đã biến ấp Phú Tiến trở thành “ấp của những hộ nghèo”.

Đồng bào Stiêng, xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh : Trọng Đức – TTXVN


Định cư tại ấp Phú Tiến từ năm 1995 đến nay, hộ anh Điểu Năng vẫn là hộ nghèo của địa phương. Nguồn thu từ 8 sào điều trong vườn nhà không đủ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình với 4 đứa con, nên anh Năng phải thường xuyên vay mượn để chạy ăn từng bữa. Vườn điều không được đầu tư, mất mùa thường xuyên đã làm số nợ vay bên ngoài của gia đình anh Năng đang ngày một tăng cao. Anh Điểu Năng tâm sự: “Do không có tiền mua phân bón chăm sóc cây, nên năm nào vườn điều cũng mất mùa. Vợ con lại bệnh tật thường xuyên nên phải vay nợ, đi vay 1 triệu, phải trả 40.000 đồng/tháng tiền lãi”.

Tương tự là gia đình anh Đỗ Văn Phương. Năm 1999, anh cùng với 94 hộ dân từ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre lên ấp Phú Tiến lập nghiệp, với mong muốn thoát khỏi nghèo đói. Thế nhưng, do đất đai ít, số tiền vay mượn để lo toan cho cuộc sống, đầu tư cho sản xuất cứ kéo dài, nên đến nay gia đình anh vẫn thuộc đối tượng khó khăn của xã. Hiện tại vợ chồng anh Phương vẫn phải sống nhờ vào căn nhà tình thương được địa phương xây tặng cho mẹ ruột của mình. Anh Phương cho biết: “Kinh tế gia đình còn khó khăn quá, tiền đi mượn lãi mấy năm rồi mà vẫn chưa trả được. Mỗi năm gần tới vụ điều, vì không có tiền nên thường ứng trước tiền của chủ thu mua, đến vụ thu hoạch cũng không trả đủ số tiền đã vay nên phải nợ nần quanh năm. Đời sống kinh tế cũng vì thế mà nghèo đói, không phát triển được".

Ông Lê Thành Phúc, Ấp trưởng ấp Phú Tiến cho biết: Hiện tại đời sống của bà con khó khăn, trên 50% là hộ nghèo. Lý do thứ nhất là đất đai ít, bà con vay mượn từ khi mới vào đây vẫn chưa trả xong, giao thông đi lại thì hết sức khó khăn. Ngoài yếu tố đất canh tác chưa đáp ứng được nhu cầu, điều đáng nói là 67 hộ nghèo của ấp đều rơi vào tình trạng vay mượn bên ngoài không có khả năng trả nợ dứt điểm. Thời gian qua, địa phương cũng đã nỗ lực vận động xây dựng nhà tình thương, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng số vốn vay còn ít là nguyên nhân làm những nỗ lực thoát nghèo của người dân nơi đây chưa mang lại hiệu quả. “Nếu như giá điều đầu mùa ở bên ngoài tiểu thương mua 35.000 đồng/kg, thì ở ấp Phú Tiến chỉ có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg. Giá mỳ cũng vậy, còn vốn vay cho hộ nghèo thì hiện tại quá ít (5 - 8 triệu đồng), cần phải tăng thêm để bà con có đủ để tăng cường chăm sóc cho cây điều”, ông Phúc chia sẻ. Giá điều rẻ là do đường giao thông chưa được cải tạo, đi lại rất khó khăn, thương lái ép giá thấp hơn nơi khác, bà con cũng phải bán.

Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn là thực trạng chung của những người dân sinh sống ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhưng một địa bàn mà có tới trên 50% là hộ nghèo thì quả thật là một con số hết sức đáng buồn, nhất là đối với một địa phương có nhiều tiềm năng như xã Phú Trung. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải thông thoáng hơn nữa trong cách vận dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đồng thời góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương hiện nay.

Đậu Tất Thành