10:10 16/10/2013

Cần sự nghiêm minh để ngăn ngừa những “đại án” tham nhũng

Được coi là một trong 10 “đại án” liên quan đến hành vi tham nhũng từ trước tới nay, với số tiền chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Báo PL&XH số ra ngày 25-9-2013 có đăng bài: “Liệu Huỳnh Thị Huyền Như có mắc thêm hành vi tham ô”, phản ánh về việc Huỳnh Thị Huyền Như giả chữ kí người gửi tiền tại Ngân hàng Công thương để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi số báo phát hành, luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã có bài viết phản hồi gửi báo PL & XH. Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài viết đến quý bạn đọc.

 

Được coi là một trong 10 “đại án” liên quan đến hành vi tham nhũng từ trước tới nay, với số tiền chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quá trình điều tra, xử lý vụ án này, hành vi của một số cá nhân tại tổ chức tín dụng khác ủy thác gửi tiền tại Ngân hàng Công thương đã được CQĐT làm rõ, xử lý.

 

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân, điều kiện nào cho phép Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền lớn trong một thời gian dài như vậy? Hành vi gửi tiền cho dù là sai quy định liệu có phải là yếu tố cơ bản giúp Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt được tiền? Theo kết luận điều tra, Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn giả chữ ký của khách hàng để rút tiền hoặc giả chữ ký của khách hàng để cầm cố tiền gửi và vay tiền tại chính Ngân hàng Công thương. Như vậy, nguyên nhân và điều kiện chủ yếu để Huỳnh Thị Huyền Như có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt của mình là việc quản lý lỏng lẻo đối với cả lĩnh vực giao dịch tài khoản và cho vay của Ngân hàng Công thương.

 

Với thủ đoạn này, với cách thức quản lý như của Ngân hàng Công thương thì Huỳnh Thị Huyền Như có thể chiếm đoạt tiền của bất cứ khách hàng nào. Theo CQĐT, có rất nhiều ngân hàng đã nhận tiền gửi thông qua phương thức ủy thác đầu tư, ủy thác gửi tiền tương tự như trường hợp của Ngân hàng Công thương nhưng tại sao thất thoát lại chỉ xảy ra tại Ngân hàng Công thương do hành vi chiếm đoạt của Huỳnh Thị Huyền Như?

 

Thêm vào đó, những cá nhân, theo kết luận điều tra nêu, là có dấu hiệu phạm tội như ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương (đều là Phó GĐ Chi nhánh Ngân hàng Công thương TP HCM) lại chưa bị xử lý. Đồng thời đến nay cũng chưa xác định được toàn diện trách nhiệm của tất cả các cá nhân liên quan đến việc quản lý giao dịch, cho vay để Huỳnh Thị Huyền Như giả mạo chữ ký chiếm đoạt được tiền, trách nhiệm của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát không phát hiện ra sai phạm của Huỳnh Thị Huyền Như trong suốt một thời gian dài. Các cá nhân có lỗi gửi tiền vào Ngân hàng Công thương thì bị xử lý, các cá nhân có lỗi tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền thì “thoát”, đây là vấn đề cần được trả lời thỏa đáng.

 

Việc không xử lý triệt để các hành vi có dấu hiệu phạm tội như đã nêu trên là chưa thỏa đáng, có dấu hiệu không nghiêm minh có nghĩa là, trong vụ án này mới chỉ xử lý được “phần ngọn” của vấn đề. Mục tiêu của chống tham nhũng không chỉ là trừng trị các hành vi tham nhũng mà còn ngăn ngừa các hành vi tương tự. Ý định tham nhũng chỉ có thể thực hiện được khi có điều kiện trên thực tế. Việc chống tham nhũng chỉ triệt để khi qua mỗi vụ án tham nhũng, bên cạnh việc xử lý hành vi tham nhũng, phải xác định được nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Từ đó có biện pháp hữu hiệu làm trong sạch “môi trường”, không cho “hành vi tham nhũng” có điều kiện phát sinh. Trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt chống tham nhũng thì việc xử lý nghiêm minh đối với vụ án này sẽ góp phần tích cực ngăn ngừa những “đại án” tham nhũng khác có nguy cơ sẽ xảy ra.

 

Luật sư Chu Mạnh Cường ( Theo phapluatxahoi.vn)