06:10 09/06/2021

Cần sớm xử lý tình trạng sạt lở bờ sông Cái ở Khánh Vĩnh

Dọc bờ sông Cái chảy qua địa phận huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có nhiều điểm sạt lở.

Mặc dù chính quyền địa phương đã lên phương án phòng chống thiên tai năm 2021 nhưng chỉ nêu sẽ ứng phó khi có thiên tai xảy ra chứ không đặt vấn đề xử lý sớm để phòng ngừa. Người dân sống ven bờ sông Cái lo sợ khi trời mưa lớn nhà cửa có thể bị sạt xuống bờ sông. 

Chú thích ảnh
Bờ sông Cái bị sạt lở. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tại thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, sạt lở kéo dài khoảng 3km, nhiều đoạn bờ sông lấn sát vào khu vực dân cư, nhà dân chỉ cách vực khoảng 30 cm. Cũng có đoạn bờ sông đã thành vực sâu, vách dựng đứng và tạo ra các hàm ếch rất nguy hiểm khi qua lại. Đường dẫn thoát nước của Quốc lộ 27C chảy trực tiếp vào khu vực cạnh nhà dân, khi trời mưa lớn nước chảy mạnh, chảy thẳng vào nhà do nhà thấp hơn mặt đường. Cống thoát nước từ khu dân cư bị lấp, tắc nghẽn nên mưa xuống nước ứ đọng, dâng cao, phá các bờ đất để thoát ra sông, gây sạt lở nặng.

Chị Cao Thị Phong sinh ra và lớn lên tại Khánh Vĩnh 28 năm. Năm 2020 chị chứng kiến bờ sông sạt lở vào đến gần khu vực nhà chị ở. Cả gia đình sơ tán hết khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng. “Chúng tôi cũng mong muốn chuyển đi nơi khác nhưng không có điều kiện. Chỉ mong các cấp chính quyền sớm làm bờ kè sông Cái để người dân yên tâm làm ăn ở đây”, chị Phong bộc bạch.

Còn với gia đình chị Cao Thị Đào, sạt lở đã vào sát nhà, nhà cách vực của bờ sông chỉ 50 cm. 

Ông Ngô Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết, khu vực sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 15 hộ dân với khoảng hơn 100 nhân khẩu đều là người đồng bào dân tộc Raglai. Để ứng phó với mùa mưa đang đến gần, UBND xã đã lên phương án di dời các hộ dân đến tránh trú tại các khu vực trường học kiên cố trên địa bàn, đảm bảo không gây thiệt hại về người do sạt lở trong mùa lũ. Về lâu dài, xã đề xuất với UBND huyện Khánh Vĩnh phương án bố trí đất tái định cư cho 15 hộ nói trên. Việc xây dựng bờ kè cho đoạn sạt lở này không có trong phương án phòng chống thiên tai của xã. Hiện tại, quỹ đất tái định cư đã có, xã đang lập hồ sơ dự án, dự toán kinh phí xây dựng khu tái định cư, trình huyện phê duyệt. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài khu vực sạt lở đất và ngập lụt tại xã Liên Sang, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn có một số điểm có nguy cơ khác nữa như xã Sơn Thái, Khánh Thượng, Cầu Bà, Khánh Trung và Giang Ly… Tại các xã Giang Ly, Khánh Hiệp và Liên Sang nhiều khu vực có nhà ở không kiên cố. Do đó, phương án đầu tiên trong việc triển khai ứng phó với thiên tai trong năm 2021 của huyện Khánh Vĩnh ban hành ngày 28/5 là di dời dân. Dự kiến, số người sẽ được di dời đến nơi an toàn của vùng ngập lụt sẽ là 1.272 hộ với 5.698 khẩu, vùng sạt lở 259 hộ với 1.106 khẩu, vùng bị lũ quét 119 hộ với 532 khẩu…

UBND huyện Khánh Vĩnh đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông Cái là do biến đổi khí hậu, dòng chảy của sông thay đổi. Biến đổi khí hậu cũng gây mưa kéo dài, lũ quét về nhanh, thường xuyên gây ngập lụt trên diện rộng. Ngoài ra, việc sạt lở bờ sông Cái do con người với các chủ đích khác nhau đã làm thay đổi dòng chảy sông như  lấn chiếm thu hẹp bờ sông - mặt sông, khai thác cát ở lòng… làm biến dạng và thay đổi quy luật thủy văn của hệ thống sông, gây nên tình trạng xói lở hai bờ sông ngày càng diễn biến nhanh.

Phan Sáu (TTXVN)