01:09 09/01/2021

Cần sớm gỡ vướng mắc cho công trình thủy lợi nghìn tỷ ở Gia Lai

Những hạng mục cuối cùng của đại công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sau ròng rã hơn 15 năm cũng đã cơ bản hoàn thành. Người dân khắc khoải mong chờ dự án phát huy được công năng, kỳ vọng về đại dự án ở vùng biên nghèo khó, thế nhưng những vướng mắc về việc xây dựng vùng tưới đã và đang đẩy dự án rơi vào bế tắc.

Hơn bao giờ hết, người dân vùng biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cần các ngành chức năng sớm tháo gỡ những vưỡng mắc để được thụ hưởng lợi ích từ đại công trình thủy lợi Ia Mơr.

Chú thích ảnh
Những ruộng đồng khô khát bên đại công trình thủy lợi Ia Mơr. 

Ruộng đồng khô khốc vì… khát

Cánh đồng làng Klăh rộng hơn 70 ha nằm cạnh công trình thủy lợi Ia Mơr chỉ cách độ chừng vài trăm mét nhưng đã khô khốc nhiều tháng nay. Nếu như được thụ hưởng ích lợi từ hồ chứa Ia Mơr, cánh đồng Klăh là “vựa lúa lớn nhất vùng Ia Mơr” này sẽ không chỉ đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân xã biên giới Ia Mơr mà còn là động lực để người dân ở đây phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh vùng biên.

Thu hoạch vụ lúa Hè Thu đã hơn 4 tháng nay, công đoạn cày ải phơi đất cũng đã hoàn thành nhưng gia đình anh Rơ Mah Tư cũng phải chờ đến mùa mưa tới mới có thể xuống giống cho vụ mới. Cái vòng quay sản xuất phụ thuộc vào trời mưa đã khiến cuộc sống của gia đình anh Tư cũng như nhiều người dân nơi đây mãi luẩn quẩn trong cái nghèo.

Nhìn về ruộng lúa bạc màu dưới cái nắng bỏng rát, anh Rơ Mah Tư than thở: “Không có nước tưới, ruộng đồng bỏ không mấy tháng trời. Bao đời nay, dân làng tôi sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước trời, trời thương thì cho mưa sớm, nhưng cũng chỉ sản xuất được một vụ lúa một năm”. 

Thời điểm này, ở các vùng quê khác, người dân đang tất bật chuẩn bị cho xuống giống vụ Đông Xuân. Nhưng với người dân xã Ia Mơr, công việc đồng áng đều gác lại chờ đến mùa mưa. Như gia đình ông K’Pui Thin đang tranh thủ sửa chữa lại máy cày, máy kéo. Vụ lúa đã thu hoạch xong cách đây vài tháng, ít diện tích mì trên đất rẫy cằn cỗi cũng đã gom về kho nên ngoài việc sửa chữa các vật dụng chờ mùa mới, người dân làng Klăh chỉ biết quanh quẩn trong làng, số ít tụ tập “lai rai cho qua ngày”. Nhìn về phía hồ chứa Ia Mơr, ông K’Pui Thin ước “giá như thủy lợi sớm cấp nước cho người dân, bây giờ dân làng đang hối hả xuống giống cho vụ Đông Xuân rồi”.

Không chỉ cánh đồng Klăh khô khốc vì… khát, nhiều diện tích lúa nước của người dân nằm cạnh chân đập hay dọc hai bên kênh của công trình thủy lợi Ia Mơr cũng nứt nẻ, bạc trắng. Vướng mắc này đến khó khăn khác đã đẩy công trình thủy lợi Ia Mơr ròng rã hơn 15 năm trời vẫn chưa thể phục vụ nước tưới cho người dân. Ruộng đồng bỏ hoang, từng đàn bò gầy guộc, lững thững tìm thức ăn trên những khoảnh ruộng xơ xác cỏ khô.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Mơr, Hơn bao giờ hết, người dân ở đây mong chờ công trình thủy lợi sớm đưa nước tưới về; chỉ cần có nước tưới, chắc chắn đời sống của người dân sẽ thay đổi hơn rất nhiều.

Ước mơ “hai vụ lúa”

Chú thích ảnh
Hệ thống kênh mương chính đã hoàn thành, nhưng chưa biết bao giờ mới tiếp nhận được nguồn nước từ hồ chứa Ia Mơr. 

Hồ chứa nước Ia Mơr có diện tích mặt nước 2.850 ha với tổng dung tích trên 177 triệu m3. Công trình được kỳ vọng sẽ phục vụ nước tưới cho 12.500 ha cây trồng các loại; trong đó có 8.500 ha thuộc địa bàn huyện Chư Prông và 4.000 ha của huyện Ea Soup (tỉnh Đak Lak). Ngoài ra, hồ chứa này còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 nghìn dân trong vùng dự án, giúp giảm lũ vùng hạ du, nuôi trồng thủy sản, phát triển thủy điện nhỏ, du lịch… Thế nhưng, với người dân xã Ia Mơr đang sinh sống dưới chân đập, ước mơ của họ chỉ đơn giản mỗi năm sản xuất được 2 vụ lúa.

Đã bao đời nay, cuộc sống của người dân Ia Mơr phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vì vậy, nguồn nước rất quan trọng đối với người dân nơi đây. Việc người dân như ông K’Pui Thin ngày ngày mong chờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr như để hiện thực hóa giấc mơ của chính họ. Ông K’Pui Thin cho biết: "Dân làng tôi mong chờ nguồn nước từ công trình này lâu lắm rồi. Có nước dân làng sẽ canh tác thêm được một vụ lúa. Làm được hai vụ lúa ai mà không muốn, muốn lắm chứ”.
         
Ngược với cảnh khát khô ở các ruộng lúa, ở bên kia thân đập vững chãi, hàng triệu m3 nước lăn tăn gợn sóng trong cái gió chiều của vùng biên. Những kênh mương thủy lợi vươn đồng, xuyên đồi, suối tỏa khắp các vùng biên nhưng đều khô khốc.

Đại diện Ban quản lý Công trình thủy lợi Ia Mơr cho biết, hiện toàn bộ kênh dẫn gồm hai tuyến chính Đông - Tây đã hoàn thành hơn 80% khối lượng. Đến khoảng tháng 4/2021 sẽ hoàn thành xong các hạng mục này. Tuy nhiên, các kênh nhánh “xương cá” thì hiện vẫn chưa thể thi công bởi vùng tưới của đại dự án này vẫn chưa được xây dựng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông cho biết, bây giờ việc xây dựng vùng tưới đang gặp khó bởi phần lớn diện tích vùng tưới đã được quy hoạch của công trình thủy lợi Ia Mơr nằm trên đất rừng; chỉ riêng địa bàn xã Ia Mơr có trên 7.500 ha. Muốn trở thành vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr, thì vùng đất lâm nghiệp này phải chuyển đổi thành đất nông nghiệp, sản xuất lúa nước và hoa màu.

Tuy nhiên, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, nếu chuyển đổi đất rừng phải thực hiện trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, Thông báo kết luận số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, kể cả các công trình dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án quốc phòng - an ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ rừng cũng chỉ đạo không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng - an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).

Sớm tháo gỡ vướng mắc 

Chú thích ảnh
Cánh đồng lúa rộng khoảng 70 ha của làng Klăh (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) khô khốc vì... khát. 

Để sớm hiện thực hóa ước mơ “hai vụ lúa một năm” và phát huy công năng, kỳ vọng về công trình thủy lợi ngàn tỷ Ia Mơr, người dân và chính quyền tỉnh Gia Lai hy vọng các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc.

Theo già làng uy tín Ksor HBlâm, ước nguyện của người dân tại làng chính là việc được “danh chính ngôn thuận” canh tác trên những thửa đất mà ông cha đã để lại. Việc chồng lấn giữa đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp đang trở thành rào cản lớn cho người dân nơi đây phát triển sản xuất, thay đổi cuộc sống.

“Mong Chính phủ sớm xem xét cho chúng tôi về vấn đề đất ở, đất sản xuất. Cái nào đất lâm nghiệp, cái nào là đất sản xuất, đất ở phải phân định rõ ràng. Còn như bây giờ dân làng chúng tôi đang làm chui, làm sai trên những diện tích mà chúng tôi đã canh tác bao đời nay. Chúng tôi không muốn làm sai, chúng tôi muốn an tâm sản xuất, phát triển đời sống trên chính mảnh đất chúng tôi đã gắn bó. Hai nữa, phải sớm đưa công trình thủy lợi Ia Mơr vào sử dụng để chúng tôi được hưởng lợi”, già làng HBlâm cho biết.

Việc sớm quy hoạch được vùng tưới, phát huy công năng của công trình thủy lợi Ia Mơr là cú hích mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng biên ải. Mặt khác, những chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển của địa phương như di dời dân cư, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên… chắc chắn cũng sẽ đổi thay rất nhiều.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Mơr khẳng định, thủy lợi Ia Mơr đưa vào sử dụng thực sự là đòn bẩy kinh tế cho nhân dân xã vùng biên này. Nền nông nghiệp ở đây từ trước đến nay đang phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Chỉ có mùa mưa, người dân mới trồng lúa, sản xuất, canh tác được nên bao đời nay vẫn không vực dậy được cuộc sống. Mong chờ lớn nhất của nhân dân trong xã chính là sớm đưa vào sử dụng công trình thủy lợi, quy hoạch vùng sản xuất ổn định cho người dân.

Mặc dù các cấp ngành của tỉnh Gia Lai đã tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án này, thế nhưng cho đến bây giờ vẫn “lực bất tòng tâm”. Ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Prông kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm triển khai xây dựng vùng tưới để phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi trên.

“Bởi điều kiện kinh tế của xã biên giới rất khó khăn, người dân chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vì vậy, việc đầu tư triển khai xây dựng vùng tưới, hệ thống kênh mương dẫn rất cấp thiết. Đây chính là cú hích để người dân vùng biên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, văn hóa- xã hội, từ đó góp phần ổn định đời sống khu dân cư, an ninh chính trị vùng biên giới", ông Tú nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Quang Thái (TTXVN)