Trong số các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Khu Công nghiệp Nam Phổ Yên thuộc địa bàn 2 xã Thuận Thành và Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên được đánh giá có tiềm năng thu hút đầu tư vì nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chỉ cách sân bay Nội Bài 25 km.
Cổng vào khu A - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Tuy vậy, theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, sau gần 10 năm từ khi triển khai xây dựng hạ tầng, hiện ở khu công nghiệp này, tỷ lệ lấp đầy của các dự án đầu tư mới đạt gần 30% với 12 dự án đầu tư có tổng số vốn đăng ký đầu tư là 16,7 triệu USD và khoảng 970 tỷ đồng.
Hai trong tổng số ba khu "đất vàng" tại khu công nghiệp này được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch (Đài Loan) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư hạ tầng thi công dở dang, bỏ hoang hàng chục ha đất trước đây vốn là đất "bờ xôi ruộng mật", gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong dư luận...
Theo giấy phép đầu tư, tại Khu A - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (thuộc địa bàn xã Trung Thành) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư, phát triển hạ tầng Lệ Trạch làm chủ đầu tư với tổng vốn 200 tỷ đồng trên diện tích 48 ha, trong đó, đất dành cho các xí nghiệp công nghiệp gần 36 ha, còn lại là đất dịch vụ công cộng, đất hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh vườn hoa...
Những ngày đầu triển khai, dự án được kỳ vọng sẽ tạo cho Phổ Yên có hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại, tăng khả năng thu hút đầu tư và nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động tại khu công nghiệp.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã ứng nguồn ngân sách trên 40 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư ứng 8,3 tỷ đồng. Trong thời gian ngắn, hơn 400 hộ dân của 6/13 xóm thuộc xã Thuận Thành đã bàn giao trên 40 ha mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thế nhưng, đã 10 năm trôi qua, hiện cả khu công nghiệp do Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư, phát triển hạ tầng Lệ Trạch làm chủ đầu tư hạ tầng chỉ có 4 doanh nghiệp triển khai dự án tại đây, tỷ lệ lấp đầy Khu A - Khu công nghiệp nam Phổ Yên chỉ đạt khoảng 15%, toàn bộ phần diện tích còn lại bị bỏ hoang.
Theo nhiều người dân xã Trung Thành, từ khi triển khai xây dựng khu công nghiệp tại đây, nhiều diện tích canh tác của bà con dù không trong diện bị thu hồi cũng đành bỏ không bởi lẽ tuyến kênh mương nội đồng trước kia đã bị san lấp để phục vụ hạ tầng khu công nghiệp...
Không chỉ khu A, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư hiện cũng trở thành dự án treo, nhà máy chưa xây xong đã bỏ hoang, cỏ dại trùm kín cổng.
Trục đường chính trong khu A - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Sau khi khởi công dự án (năm 2008) với quy mô diện tích khoảng 27 ha, hoàn thành một khu nhà xưởng đúc gang và thép hợp kim với diện tích khoảng 7 ha thì dự án lâm vào cảnh "án binh bất động". Mục tiêu xây dựng các nhà máy sản xuất lốp ôtô, cầu truyền động, hộp số, chi tiết gang thép hợp kim, vỏ động cơ, nhíp, lò xo ô tô... tạo việc làm cho từ 1.500 đến 4.000 lao động địa phương của dự án đến nay vẫn còn nằm trên giấy.
Toàn bộ diện tích đất dự án, chủ yếu đất nông nghiệp của hơn 300 hộ dân địa phương sau khi thu hồi nhiều năm qua thành đất hoang, trong khi không ít người dân vẫn đang chật vật với việc chuyển đổi nghề nghiệp sau khi mất đất, mất ruộng...
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: Từ những năm 2006 - 2007, khi có chủ trương đầu tư phát triển khu công nghiệp tại đây, chính quyền thị xã Phổ Yên (trước đây là huyện Phổ Yên) đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh triển khai bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình triển khai, do năng lực của chủ đầu tư (Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch) làm chậm tiến độ, từ những năm 2015 - 2016, thị xã Phổ Yên cũng đã có nhiều biện pháp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng khu công nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng tiến độ cũng như quy hoạch được duyệt.
Thị xã Phổ Yên đã báo cáo lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan kiểm tra, nếu dự án tiếp tục không đẩy nhanh tiến độ sẽ đề nghị thu hồi dự án sau đó chuyển cho chủ đầu tư khác để tăng tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Về phía Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, lãnh đạo Ban quản lý cũng thừa nhận việc chậm tiến độ của 2 nhà đầu tư hạ tầng Khu A và Khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên và đã tham mưu, đề xuất với tỉnh giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án này...
Thực tế diễn ra ở khu vực thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng Khu công nghiệp Nam Phổ Yên trong suốt những năm qua có thể thấy các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được cấp chứng nhận đầu tư không đảm bảo năng lực thực hiện dự án, gây lãng phí tài nguyên đất.
Tỉnh Thái Nguyên cần mạnh tay thu hồi giấy phép đầu tư, góp phần tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.