03:23 27/03/2011

Cần sẵn sàng cho kịch bản giá dầu trên 100 USD/thùng

Sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 9/2008 với mức 106,95 USD/thùng vào ngày 7/3 tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô tiếp tục lên xuống thất thường.

Sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 9/2008 với mức 106,95 USD/thùng vào ngày 7/3 tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô tiếp tục lên xuống thất thường. Theo hầu hết các nhà phân tích, giá dầu tăng vẫn là xu thế chung và nhiều khả năng từ nay đến hết năm 2013, giá dầu khó có thể trở về mức 2 con số.

Giá dầu khó có thể trở về mức 2 con số.


Trong động thái mới nhất, Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent Biển Bắc quý 2/2011 từ mức trung bình 105 USD/thùng lên 118 USD/thùng và cho rằng 6 tháng cuối năm 2011, giá dầu có thể sẽ nhích thêm một chút. JPMorgan Chase & Co. cũng điều chỉnh dự báo về mức giá trung bình năm 2011 của dầu Brent Biển Bắc từ 104 USD/thùng lên 110 USD/thùng. Theo JPMorgan Chase & Co., các nhà sản xuất dầu mỏ không nên chờ đợi tín hiệu leo thang của giá dầu hay tới khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tổ chức kì họp thường niên vào tháng 6 tới mới nâng cao sản lượng. Vì khi đó, e rằng việc khống chế giá dầu tăng đã muộn và giá dầu tăng đã gây ảnh hưởng tai hại đến tăng trưởng kinh tế thế giới.

Kết quả điều tra của hãng Reuters (Anh) cũng cho thấy có tới 22 trong số 31 nhà phân tích được hỏi đã tăng mức dự báo giá dầu năm 2011. Trong đó, Société Générale, một trong 3 ngân hàng lớn nhất của Pháp, cho rằng nếu tình hình rối ren ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục lan rộng, giá dầu thế giới có thể vượt mức 150 USD/thùng, thậm chí còn thách thức ngưỡng 200 USD/thùng. Nhận định này cũng gần giống với những gì mà David Rosenberg, nhà kinh tế chủ chốt thuộc "Gluskin Sheff + Associates" đưa ra trước đó khi cho rằng nếu tình trạng bất ổn tại Libi khiến giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng, một cuộc nổi dậy tại Arập Xêút - quốc gia đang nắm giữ 20% lượng dầu mỏ thế giới - có thể khiến giá dầu tăng mạnh hơn. Một thùng dầu khi đó có thể sẽ có giá gần gấp đôi hiện nay (khoảng 200 USD/thùng).

Tổng hợp kết quả điều tra của Reuters, người ta thấy dự báo giá dầu Brent Biển Bắc năm 2011 đã được điều chỉnh lên mức 104,57 USD/thùng, tăng thêm 12,07 USD/ thùng so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 2. Còn mức giá dự báo cho giá dầu Brent Biển Bắc năm 2012 và 2013 lần lượt là 103,22 USD/thùng và 106,85 USD/thùng. Đối với giá dầu thô ngọt nhẹ New York năm 2011, dự báo được điều chỉnh từ mức 89,96 USD/thùng lên 96,73 USD/thùng. Theo điều tra của Reuters, giá loại dầu này sẽ tiếp tục tăng lên 97,72 USD/thùng vào năm 2012 và đạt ngưỡng trung bình 102,94 USD/thùng trong năm 2013. 

Cùng với giá lương thực đã ở mức cao, giá dầu tăng do ảnh hưởng của tình hình bất ổn ở Libi cũng như có thể ở nhiều nước Bắc Phi, Trung Đông khác và giờ đây là nhu cầu tái thiết của Nhật Bản, khiến người ta ngày càng quan ngại về lạm phát tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương nhất. Mohamed El-Erian, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý Đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), cho rằng trong thời gian trước mắt, kinh tế toàn cầu vốn bị đè nặng bởi lạm phát có thể rơi vào đình đốn. Còn đối với người dân, theo Giáo sư Nouriel Roubini, thuộc Đại học New York (Mỹ), thu nhập của các hộ gia đình, cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, đều không đủ mạnh để chịu đựng khoản chi dành cho năng lượng và lương thực thực phẩm tăng mạnh. Khi dân sinh khó đảm bảo, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề ổn định xã hội có thể sẽ nảy sinh.

Trong khi tìm kiếm câu hỏi cho việc giá dầu tăng có làm lịch sử lặp lại hay không, người ta thấy, ảnh hưởng của giá dầu tăng dễ thấy hơn trong các ngành mà việc sản xuất phải sử dụng dầu thô hay các chế phẩm từ dầu như là nguyên liệu thô hay năng lượng như khai thác, lọc dầu, hàng không, lốp, phân bón, sơn, dệt, và dầu nhớt. Phân tích các số liệu trong 3 quý đầu của năm 2008 và quý IV của năm 2010 – giai đoạn giá đầu tăng mạnh, hãng CNBC có trụ sở ở bang New Jersey, Mỹ cho biết các công ty thuộc lĩnh vực công, các hãng hàng không, các nhà sản xuất lốp thường phải chịu đựng gánh nặng chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, các công ty hoạt động trong lĩnh vực lọc dầu, sản xuất dầu nhớt, sơn hay công nghiệp dệt thường ở vị trí tốt hơn nhiều trong cơn bão giá dầu. Các công ty phân bón thuộc cả hai xu hướng trên. Đây cũng chính là một trong những gợi ý để các nhà đầu tư, đặc biệt trên thị trường chứng khoán, lưu ý trong thời gian tới.

Hà Ngọc