10:14 08/10/2015

Cần quy hoạch vùng sản xuất

Thời gian gần đây, người dân các tỉnh Tây Nguyên có xu hướng mở rộng diện tích trồng sắn do sắn nguyên liệu được giá, nông dân phấn khởi vì có lãi. Tuy nhiên, đi liền đó là mối lo về những hệ lụy khi người dân mở rộng diện tích sắn một cách ồ ạt.


Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực BCĐ Tây Nguyên: Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Với giá sắn tăng cao trở lại như hiện nay thì nguy cơ phá vỡ quy hoạch diện tích trồng sắn là điều có thể xảy ra. Bởi việc ồ ạt trồng sắn chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy như: Không làm chủ được giá cả thị trường dẫn đến tình trạng “thừa người bán, thiếu người mua”; rồi khi trồng sắn ồ ạt sẽ dẫn đến sự thoái hóa đất, xói mòi đất…

Phát triển nóng ngành sắn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Quan trọng nhất là cây sắn bung ra sẽ phá vỡ quy hoạch trồng các loại cây khác. Ngoài ra, việc tăng diện tích trồng sắn cũng là nguyên nhân khiến một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái. Nếu sau này nông dân muốn bỏ sắn để quay về trồng cây khác sẽ rất khó khăn. Do vậy ngành nông nghiệp cần khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên trồng sắn với diện tích theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Người dân ồ ạt trồng sắn

Năng suất sắn của Việt Nam đã tăng từ 8,3 tấn/ha năm 1995 lên gần 18 tấn/ha năm 2012. Giá thu mua sắn nguyên liệu có lúc tăng cao khiến người nông dân ồ ạt phát triển diện tích sắn. Diện tích sắn tăng nhanh đã phá vỡ quy hoạch phát triển chung của toàn ngành, giá sắn nhiều lúc giảm thê thảm. Theo kế hoạch, diện tích sắn trên cả nước được điều chỉnh giảm xuống còn 500.000 ha trong 2 năm tới và tiếp tục giảm xuống mức 450.000 ha khi đến năm 2020, ổn định sản lượng ở mức 11 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội nông dân xã Đạ - Rsal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng): Cần có thỏa thuận hợp tác

Diện tích sắn tăng mạnh trong những năm qua giúp nguồn nguyên liệu cho chế biến dồi dào, các doanh nghiệp do đó có cơ hội ép giá nông dân. Để hài hòa lợi ích đôi bên, doanh nghiệp chế biến và người nông dân sản xuất sắn nguyên liệu cần có thỏa thuận hợp tác rõ ràng, cụ thể. Các vùng nguyên liệu dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp để phát triển diện tích, sản lượng…

Một số hộ dân trồng sắn cho biết, phần lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh. Do đó, để phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đầu tư tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.

Bà Nguyễn Hải Vân, Cán bộ Trung tâm con người và Thiên nhiên: Sức ép phá rừng trồng sắn

Sức hấp dẫn từ thu nhập do sắn mang lại đã thúc đẩy người dân địa phương “tiến về phía rừng” để mở rộng thêm diện tích đất trồng sắn. Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Chỉ sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán 2009, khi quay trở lại xã Hiếu họ thấy gần như toàn bộ những mảng rừng dọc hai bên quốc lộ 24, khoảng 10 km đã bị phát, đốt trắng để chuẩn bị trồng sắn. Diện tích rẫy tại bốn thôn Vi Chring, Vi Choong, Vi Glơn và Đắk Nôm phần lớn được khai hoang, mở rộng trong các năm từ 2007 - 2012, tương ứng với giai đoạn phát triển cực thịnh của cây sắn ở xã Hiếu.
Xâm lấn đất rừng để khai hoang, trồng sắn được coi là nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng lớn nhất ở xã Hiếu trong 10 năm gần đây. 

Trong đó, diện tích rừng tự nhiên đang được tạm giao cho UBND xã Hiếu và Công ty lâm nghiệp Kon Plong là hai đối tượng bị tác động nhiều nhất, bởi hai lý do: Các diện tích này đều gần đường giao thông, hoặc dọc quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh nên sẽ thuận lợi cho việc thu mua sắn sau này. Hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng của UBND xã Hiếu và lâm trường Măng La rất hạn chế do thiếu người và thiếu nguồn lực. Chính vì vậy, dù là hoạt động bị cấm trong quy định quản lý bảo vệ rừng, người dân xã Hiếu vẫn tiếp tục xâm lấn mở rộng diện tích để trồng sắn. Đối với chính quyền địa phương, họ gần như bế tắc trong việc ngăn chặn xâm canh rừng trái phép. 

Một mặt, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn, họ có trách nhiệm đảm bảo không để xảy ra hoạt động canh tác nương rẫy trái phép, nhưng nếu tuân thủ thì đồng nghĩa với tình trạng đói nghèo của người dân có thể gia tăng trên địa bàn họ quản lý. Ngược lại, như thực tế đã xảy ra, khi làm ngơ để người dân mở rẫy trái phép thì chính họ đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, quy định cấm hoàn toàn hoạt động phát rừng làm nương rẫy, chỉ tập trung cho bảo vệ rừng, trong điều kiện thiếu đất sản xuất là không khả thi do không nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu về đất sản xuất nương rẫy của người dân địa phương.

Ông Trần Thanh Thế, xã Ven, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk): Giá sắn cao, càng kích thích người dân trồng sắn

Nếu như niên vụ trước, giá sắn khô trên thị trường chỉ đạt 3.300 - 3.400 đồng/kg, thì niên vụ này giá sắn đã tăng lên 3.800 - 3.900 đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí về cây giống, thuê người trồng và thu hoạch thì người dân cũng lãi khoảng 15 -17 triệu đồng/ha.

Gia đình tôi thuê đất trồng được 2 ha sắn, năm nay giá sắn khô tăng lên 3.900 đồng/kg, so với năm trước mỗi kg sắn khô tăng thêm được 6.000 đồng. Với 2 ha sắn, sau khi trừ hết chi phí như tiền thuê đất, cây giống, chăm bón… tôi lời khoảng 30 triệu đồng, trong khi đó năm trước chỉ được 19 triệu đồng. Với giá sắn này, nông dân cũng thấy tạm được, điều khiến tôi lo lắng đó là giá cả không ổn định lên xuống thất thường.

Bà Lê Thị Duyên, xã Ea Lê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk): Cả người trồng và thương lái đều mừng

Nếu như năm ngoái, giá sắn khô xuống thấp chỉ 3.300 đồng/kg, các thương lái “chê ỏng chê eo” không mua, thì năm nay giá sắn đạt cao, lại khá dễ bán. Nhà tôi có 1,5 ha sắn, đầu vụ thu hoạch được 3 tấn sắn tươi, lúc đó thương lái đến thu mua tại vườn với giá 1.600 đồng/kg sắn tươi nhưng tôi không bán, để được giá cao hơn tôi đem về thái phơi khô bán được 3.900 đồng/kg. Trừ chi phí chắc năm nay cũng thu về khoảng 23 - 24 triệu đồng. So với thời điểm năm trước, giá sắn năm nay cao hơn hẳn, không chỉ bà con nông dân phấn khởi mà ngay cả các thương lái thu mua sắn cũng tấp nập hơn mọi năm.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông: Chưa có quy hoạch phát triển cây sắn

Khó khăn nhất ở Đắk Nông hiện nay là chưa có quy hoạch phát triển cây sắn tập trung nên người dân tự phát mở rộng diện tích chạy theo giá thị trường gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quy hoạch chung của ngành nông nghiệp. Người trồng sắn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển diện tích đất dốc, phá rừng lấy đất trồng sắn, giao thông khó khăn, chưa có các công trình thủy lợi nên gây khó khăn cho việc áp dựng khoa học kỹ thuật.

Người nông dân khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống mới còn thấp có nguy cơ gây hoang hóa những diện tích đất đã trồng sắn. Việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng để lấy đất trồng sắn của người sản xuất là trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, trồng sắn tại những vùng đồi núi gây rửa trôi và thoái hóa đất. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về canh tác cây sắn cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại những vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng. Hiện tượng thoái hóa giống sắn do việc tự để giống của người nông dân xảy ra phổ biến dẫn đến năng suất, sản lượng sắn giảm sút qua các năm. Diện tích sắn được mở rộng chủ yếu tại các vùng sâu, vùng xa gây khó khăn cho việc vận chuyển đi tiêu thụ làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả cho người trồng.
Bài và ảnh: V.T