02:08 02/02/2012

Cần quản lý chặt nguồn thải ven biển vịnh Hạ Long

Theo kết quả điều tra của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong chuyên đề "Đánh giá dự báo tải lượng ô nhiễm đưa vào vịnh Hạ Long - Bái Tử Long", việc quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm chưa hiệu quả.

Theo kết quả điều tra của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong chuyên đề "Đánh giá dự báo tải lượng ô nhiễm đưa vào vịnh Hạ Long - Bái Tử Long", việc quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm chưa hiệu quả. Hầu hết các nguồn ô nhiễm chưa được xử lý khi thải ra môi trường. Các chất ô nhiễm vào vịnh Hạ Long - Bái Tử Long là do rửa trôi các nguồn ô nhiễm trên đất liền qua hệ thống sông, suối, lạch, đưa ra vịnh và trực tiếp từ sinh hoạt của dân cư ven biển, khách du lịch...


Với tốc độ xả thải như hiện nay, mỗi năm vịnh Hạ Long - Bái Tử Long phải hứng chịu khoảng 43.000 tấn COD và 9.000 tấn BOD (chất hữu cơ lơ lửng) đổ vào. Khoảng 5.600 tấn nitơ - tổng số (N –T) và gần 2.000 tấn phốt pho tổng số (P – T). Đặc biệt, có khoảng 135.000 tấn kim loại nặng và khoảng 777.500 tấn TSS (chất rắn lơ lửng) hàng năm từ nguồn thải ven biển đổ vào vịnh. Đây là mối đe dọa lớn tới môi trường vùng vịnh.

Để bảo vệ môi trường nước vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, cần phải đưa vào quy hoạch bảo vệ môi trường vùng để nghiên cứu, chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đơn giản, ít tốn kém như: Lắng sơ cấp, bể tự hoại, bùn hoạt tính... Đặc biệt, cần quản lý chặt và tăng cường các biện pháp xử lý chất thải tại nguồn, hạn chế xả thải không đạt chuẩn hoặc chưa qua xử lý ra môi trường; chú trọng các giải pháp công nghệ, tăng cường kiểm soát việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.

Lý Thanh Hương